Sẵn sàng du học – Ba tháng sau khi bay hơn 9.000 km đến Melbourne, Australia du học, Zhikai Liu tự sát vì áp lực. Đây không phải du học sinh duy nhất có kết cục buồn.
Đầu năm 2016, Zhikai Liu (đến từ Trung Quốc) trở thành du học sinh tại Đại học Melbourne (Australia). Cuộc sống của một sinh viên quốc tế khiến Liu khá chật vật.
Dù chuẩn bị tốt trước khi sang xứ người, Liu vẫn gặp khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng Anh, trục trặc với bạn gái và không ngủ đủ giấc. Chàng sinh viên 24 tuổi tâm sự với em gái mình về nỗi cô đơn trong căn hộ, nghi ngờ mình bị trầm cảm và chỉ nghĩ tới cái chết. Ba tháng sau khi đến Melboure, Liu tự sát.
Không chỉ có Liu lâm vào bế tắc trước những áp lực của cuộc sống nơi xứ người. Nhiều sinh viên châu Á khác đã tự kết liễu đời mình chỉ trong vài tháng tìm cách hòa nhập với nền văn hóa mới.
Đơn vị phòng chống tội phạm tại Australia đã phát hiện 43 sinh viên quốc tế tại Victoria tự sát từ năm 2009 đến 2015. Con số này khiến điều tra viên Audrey Jamieson lên tiếng kêu gọi chính phủ liên bang tìm cách hỗ trợ sinh viên quốc tế, tránh việc sốc văn hóa khiến họ bị tổn thương.
Đây là vấn đề được quan tâm trong các nghiên cứu về quyền lợi của hàng trăm nghìn sinh viên quốc tế tại Australia. Số du học sinh tại đây ngày càng tăng cao và người trẻ tuổi có vấn đề về sức khỏe tinh thần ngày càng nghiêm trọng hơn.
Đối với sinh viên Trung Quốc, việc ngại nhờ người khác giúp đỡ là “muốn giữ thể diện”. Họ lo sợ khi tìm các dịch vụ tư vấn sẽ khiến cha mẹ hoặc chính bản thân cảm thấy xấu hổ, theo The Age.
Gần 90% sinh viên quốc tế tại Australia đến từ châu Á, bao gồm các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Malaysia. Nhiều người trong số họ cảm thấy căng thẳng về gánh nặng tài chính hay học tập. 1/3 trong số các sinh viên tự sát không theo kịp chương trình học tại trường.
5/10 trường hợp sinh viên quốc tế tự sát, cha mẹ tức giận hoặc lo lắng khi phát hiện con cái mình không vượt qua các kỳ thi. 3 trường hợp tự sát vì không xin được visa.
Trong số các nguyên nhân gây áp lực về tài chính, học phí là nguyên nhân chủ yếu. Nghiên cứu của Đơn vị phòng chống tội phạm cũng cho thấy 5 trường hợp sinh viên tự sát có liên quan cờ bạc, tệ nạn.
Nhiều nghiên cứu tại Đại học Monash và La Trobe cho thấy một số cha mẹ của sinh viên không đủ điều kiện tài chính cho con du học nhưng vẫn cố gắng vay mượn, khiến các bạn trẻ chịu áp lực rất lớn. Họ đã tự tử vì không dám nói với bố mẹ, không thể đối mặt với sự xấu hổ.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện đa số sinh viên Trung Quốc bị sốc văn hóa khi cố gắng thích ứng với cách học tại Australia.
“Phần lớn họ đã quen việc học vẹt, khiến cho tư duy khó hòa nhập với cách học phản biện, bày tỏ ý kiến tại đây”, trích một nghiên cứu.
Trước sự việc sinh viên của trường tự sát do áp lực học hành, Đại học Melbourne thông báo không điều tra vì xảy ra ngoài khuôn viên trường.
Đại diện trường cho biết họ đã cung cấp đầy đủ dịch vụ hỗ trợ sức khỏe cho sinh viên, bao gồ cả bác sĩ tâm lý hay nhân viên được đào tạo để phát hiện những trường hợp đang gặp khó khăn.
Điều tra viên Audrey Jamieson tự hỏi liệu khi được giúp đỡ, chàng sinh viên Zhikai Liu có còn nghĩ tới tự sát hay không?
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Zing News