Sẵn sàng du học – Lựa chọn việc du học chỉ bước đầu tiên trong việc theo đuổi con đường học vấn tại một quốc gia xa lạ. Và một trong những vấn đề thường thấy ở quá trình này của sinh viên chính là việc họ không biết nên bắt đầu từ đâu để thực hiện mục tiêu mà mình đề ra. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu khi mà chỉ tính riêng Mỹ đã có hơn 4.000 trường đại học và hệ thống giáo dục ở mỗi nước là khác nhau.
Dưới đây là những chỉ dẫn và lưu ý dành cho sinh viên khi muốn nộp đơn vào một trường đại học nước ngoài:
Sự khác biệt trong hệ thống giáo dục
Quá trình xét tuyển vào các trường đại học ở các nước trên thế giới nhìn chung được chia làm hai loại là “xét tuyển tập trung” và “xét tuyển không tập trung”.
Xét tuyển tập trung tức là hoạt động này chỉ do một cơ quan nhà nước đảm nhận thực hiện. Ví dụ như ở Anh là do Ucas (Universities and Colleges Admissions Service) phụ trách. Sinh viên chỉ cần đảm bảo những yêu cầu đầu vào tối thiểu và nộp một bộ hồ sơ cá nhân.
Ở UK, thí sinh được cho phép nộp đơn vào 5 chương trình học khác nhau còn ở Úc con số này lên tới 9. Hình thức xét tuyển này thường cho phép các trường lựa chọn sinh viên tương lai giựa trên bảng thành tích học tập của họ. Một số nước khác cũng áp dụng cách thức xét tuyển này là Nhật Bản, Hàn Quốc và ở đây thì thời gian để nộp hồ sơ là vào tháng Tám hằng năm.
Còn hình thức xét tuyển không tập trung được áp dụng ở các nước Mỹ, Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Hình thức này chính là việc sinh viên phải tự gửi hồ sơ đến từng trường mà mình có nguyện vọng theo học và ngược lại quá trình xét tuyển cũng như những yêu cầu đầu vào sẽ do mỗi trường tự quyết định và trực tiếp thực hiện. Các yêu cầu này chính vì thế mà trở nên vô cùng đa dạng, điều này đòi hỏi các thí sinh phải tìm hiểu kĩ lưỡng về ngôi trường mà mình nhắm đến.
Ở Mỹ, hầu hết các trường đều yêu cầu ít nhất một bài luận cá nhân, bảng điểm phù hợp với từng khóa học, thư giới thiệu và các chứng chỉ hoạt động ngoại khóa. Điểm cộng cho hình thức xét tuyển này chính là không có giới hạn về số trường mà một thí sinh có thể tham gia xét tuyển. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là đối với tùy từng nước, như ở Mỹ thì bạn phải tự chi trả cho phí nộp hồ sơ. Sau cùng, thời gian để bắt đầu nộp hồ sơ ở Mỹ là khoảng từ tháng Một đến tháng Hai hằng năm.
Xu hướng đánh giá của các trường
Mỗi trường đại học lựa chọn cho mình một sứ mệnh riêng để theo đuổi. Để tìm hiểu về phương diện này, sinh viên có thể dễ dàng có được rất nhiều thông tin hữu ích trên internet. Điều này cho thấy định hướng giáo dục của mỗi trường và cách mà họ sẽ tìm kiếm những sinh viên phù hợp với tiêu chuẩn của mình. Chính vì thế, hãy nghiên cứu khía cạnh này và tạo điểm sáng trong hồ sơ của mình bằng cách cho thấy bạn là một ứng viên phù hợp như thế nào.
Các trường ở Mỹ và một số nước châu Âu thường khuyến khích sinh viên thử nhiều môn học khác nhau trước khi tìm ra sở thích thực sự của mình. Chính vì thế, nếu bạn đã có một định hướng rõ ràng về chương trình học cũng như con đường sự nghiệp thì một ngôi trường Anh quốc có lẽ là lựa chọn tuyệt vời hơn cả.
Yêu cầu đầu vào
Các trường đều đề ra những yêu cầu đầu vào tối thiểu và rõ ràng là bạn phải đáp ứng được chúng trước khi quyết định nộp hồ sơ. Tuy nhiên, đáp ứng những yêu cầu này không thôi không đồng nghĩa với việc bạn chắc chắn sẽ được nhận. Điều quan trọng khi nộp hồ sơ, chính là cho thấy những trải nghiệm hoạt động ngoại khóa hay kinh nghiệm làm việc và hơn hết là niềm đam mê của bạn đối với ngành học.
Có một vài điểm khác biệt nhất định trong cách xét tuyển của các trường ở mỗi nước. Đại học ở Hoa Kỳ thường đánh giá cao tinh thần khởi nghiệp, bên cạnh đó khả năng làm việc nhóm cũng được yêu thích không kém. Để có thể thực hiện quá trình nộp hồ sơ thành công, hãy nghiên cứu kĩ lưỡng xu hướng xét tuyển ở mỗi quốc gia và hướng đến hoàn thiện hồ sơ của bạn theo những yêu cầu đó.
Nơi phù hợp nhất
Bên cạnh việc quan tâm đến các khóa học, trường đại học và những yêu cầu đầu vào thì yếu tố quan trọng hơn cả chính là đâu mới là nơi thực sự phù hợp với bạn – một nơi để sống và học tập. Ví dụ, bạn muốn trải nghiệm đời sống sinh viên thực sự với nơi ở là kí túc xá thì có lẽ Hoa Kỳ là một nơi phù hợp. Còn nếu bạn muốn sống động lập và đi du lịch nhiều nhất có thể thì những đất nước châu Âu là lựa chọn đáng để cân nhắc bởi sự liên kết giữa các nước EU cho phép bạn di chuyển một cách rất thuận lợi.
Sau cùng, nghiên cứu chính là lời giải đáp cho tất cả. Hãy chắc chắn rằng bạn đã dành thời gian để tìm hiểu và có một cái nhìn bao quát nhưng cũng rất kĩ lưỡng về mỗi môi trường học tập mà mình định nhắm đến, trước khi chính thức bắt tay vào việc nộp hồ sơ.
Ánh Dương (SSDH) – Theo timeshighereducation.com