Hai câu chuyện về du học sinh tại Úc

0

Chuyện ở và chuyện ăn bao giờ cũng là nỗi lo lớn nhất của mỗi người chứ không riêng gì du học sinh. Nhưng xa nhà lại càng khó khăn hơn, nhất là trong thời buổi giá lương thực, thực phẩm lên cao trên toàn cầu.

 du-hoc-uc-thanh-pho-sydney.png

1. Chuyện ở

“Việc đầu tiên khi đặt chân tới Úc của anh ấy là bật máy tính, nối mạng, chơi “Võ lâm truyền kỳ” (một trò chơi điện tử trực tuyến rất thịnh hành ở Việt Nam), vali vứt đó không thèm dỡ, quần áo khỏi cần thay”. Quang – một trong những cậu em cùng training team (nhóm huấn luyện) ở trang trại hái nấm với tôi – đã “tố khổ” người bạn cùng nhà như vậy với vẻ đầy bất mãn. 

Và đó cũng là hành động đầu tiên kéo dài cho hàng chuỗi những ngày tháng tiếp theo học tập tại Úc của anh chàng “Võ lâm truyền kỳ” kia – một người ngoài giảng đường ra, chỉ chú mục vào những trận đánh này, bang hội nọ mà phó mặc mọi công việc phải làm khi cùng thuê chung nhà với cậu em tôi. Kết quả là chưa đầy hai tháng sau, Quang đã phải nghiến răng thuê riêng một phòng ở nhà khác với giá tiền gần gấp đôi. 

Một chuyện khác. Quỳnh và Thuý đang theo chương trình trao đổi sinh viên (exchange students), cả hai chỉ học tại Úc một học kỳ. Là một cặp đôi rất thân từ hồi đại học, làm gì cũng có nhau, hai bạn quyết tâm học xong cho nhanh rồi cùng về Việt Nam. 

Khi tới Úc được hơn một tháng, Thuý trúng tiếng sét ái tình của một anh chàng người Úc, cô vắng nhà nhiều hơn, thậm chí có tuần chỉ về nhà một chút rồi lại đi ngay. Khổ thay, mỗi lần về, bạn bè không có gì giấu nhau, Thuý hào hứng kể cho cô bạn nghe về anh người yêu của mình. 

Những câu chuyện làm Quỳnh chạnh lòng vì cô chưa có bạn trai. Thế rồi một mình một phòng với cảm giác cô đơn và bị bỏ rơi, Quỳnh cũng rời nhà, nói là đi học nhóm cùng các bạn Việt Nam khác nhưng thực chất là để giấu đi cảm giác buồn và cô độc trong căn phòng trống trải. 

hoi-du-hoc-sinh-uc-noi-hoi-ngo-du-hoc-sinh-viet-giaoduc.net.vn.jpg.jpg

Một cộng đồng Việt thu nhỏ 

Một khảo sát nhỏ được tôi tiến hành rất nhanh với chừng hơn 20 bạn học sinh hiện đang học khoá tiếng Anh tại Trung tâm ACET TPHCM (Australian Centre for Education and Training). Với cùng một câu hỏi: “Khi qua Úc học tập, bạn muốn được sống chung nhà với các du học sinh VN hay với cả các bạn nước ngoài?”. 

Kết quả thu được làm tôi khá ngạc nhiên: Gần 60% trả lời muốn được sống với những bạn đồng hương; 30% dứt khoát muốn được chung nhà với các bạn nước ngoài, nhất là những bạn bản ngữ tiếng Anh để có cơ hội trau dồi, chỉ 10% là còn lưỡng lự, chưa dứt khoát quyết định; 25% muốn kết hợp cả hai điều trên, nghĩa là lúc đầu muốn sống với các bạn Việt để đỡ nhớ quê và có thể giúp đỡ nhau, sau này thì muốn được chung nhà với các bạn đến từ những quốc gia khác nhau để tìm hiểu môi trường đa văn hoá. 

Từ kết quả trên, có thể rút ra một điều, du học sinh VN thường có xu hướng tạo ra một cộng đồng Việt thu nhỏ khi cùng du học nước ngoài. Điều này có thể xuất phát một phần từ tư tưởng nặng lòng cố hương thường trực trong mỗi người VN, một phần nữa có thể do bắt nguồn từ việc lo sợ khả năng ngôn ngữ chưa tốt. Vì vậy, trong quá trình hoà nhập ban đầu, các bạn mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ tối đa của các bạn cùng nhà. 

Làm sao để chung nhà một cách thoải mái 

Khi tất cả mọi người cùng chung nhau thuê một căn nhà bên ngoài, một hình thức phổ biến của du học sinh, đương nhiên ai cũng muốn tổ chức căn nhà và mọi người chung nhà thành một gia đình Việt thu nhỏ với tất cả sự đầm ấm thường thấy ở VN. Điều này sẽ thực sự đạt được và tuyệt vời với một điều kiện tiên quyết: mọi người đều có ý thức trách nhiệm và tôn trọng những quy định chung và hoà đồng. Vậy nhưng điều này có vẻ như rất khó thực hiện. 

Dù vậy, nói gì thì nói, khi một căn nhà chỉ gồm toàn các bạn du học sinh VN, nó cũng tạo nên những lúc rất vui vẻ và ấm áp, điều mà nhiều khi chúng ta cảm thấy cần hơn bao giờ hết trong hoàn cảnh một thân một mình xa quê hương. 

2. Chuyện ăn

Gần một triệu đồng một bao gạo. Mẹ tôi giật mình khi tôi gọi về kể chuyện đi chợ ở Úc. Nhưng đó là chuyện thật. Hai tháng trước, giá một bao gạo Thái ngon thượng hạng hiệu Con nai, Bông hồng hay 5 chữ A vẫn chừng tròm trèm 30 đô Úc (bao 25kg) tại các cửa hiệu của người Việt và Tàu, vậy mà đã có lúc giá vọt lên gần gấp đôi so với một tháng trước và giờ ổn định ở mức 50 đô. Không mặc cả. Gương mặt thoáng chút muộn phiền của cả người bán lẫn người mua. Nước Úc cũng đang nằm trong cơn sốt lương thực toàn thế giới. Và du học sinh, những người luôn phải học cách sống tằn tiện với một hầu bao ít ỏi, đã phải chấp nhận một thách thức mới. 

Mặc dầu vậy, so với VN, khi mà cơn bão giá đang quay cuồng trong một thị trường và tỉ lệ lạm phát đã vượt quá hai con số, kinh tế Úc ổn định hơn, và đặc biệt trừ gạo phải nhập khẩu, mặt hàng nông sản và chăn nuôi là những thế mạnh ở Úc. Do đó trên tổng thể, thực phẩm được bày bán trong các siêu thị biến động rất ít. 

Khảo giá một số những mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại các chuỗi siêu thị lớn như Safeway, Coles hay Aldi, hầu hết những loại như thịt heo, thịt bò, cừu hay thịt gà đều không tăng giá, giá của các loại hoa trái và rau quả cũng không có sự thay đổi, chỉ riêng có giá dầu ăn thì cá biệt tăng thêm 25% đối với loại dầu thực vật (từ 3,99 đô Úc lên 4,99 đô Úc – khảo sát tại siêu thị Aldi). 

Nguyên nhân cũng có thể là do sức cung của thị trường lương thực thế giới giảm mạnh cho nguyên liệu ép dầu trong cơn sốt lương thực. Tuy nhiên, một điểm rất khác so với thị trường VN là dù có những mặt hàng tăng giá, nhưng điều đó không hề gây ra những đợt đổ xô đi mua tích trữ từ phía người tiêu dùng. Các siêu thị lớn, với khả năng kinh doanh và bảo đảm nguồn cung, vẫn có đủ hàng hoá đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng Úc. 

45162-DH.jpg

Chi tiêu cho ăn uống 

Riêng gạo là một ngoại lệ. Hầu hết các siêu thị lớn đã kể trên không bày bán những loại gạo mà các du học sinh VN hay ăn, ở đó hay bán gạo Ấn Độ, Pakistan, hạt nhỏ và rất dài, nấu lên ăn không ngon và không hề có mùi thơm như vẫn ăn hàng ngày, thậm chí có bạn còn nhận xét có mùi rất khó chịu. Giá loại gạo này vào khoảng 14-15 đô một bao 10kg, rẻ hơn nhiều so với gạo Thái Lan hay VN. Muốn ăn gạo ngon hợp khẩu vị, thường các bạn phải mua ở bên ngoài. Mà những nhà buôn nhỏ lẻ thường không đảm bảo nguồn cung cấp lớn và dài hạn như các siêu thị, đó cũng là lý do tại sao hàng hoá tại đây, bao gồm cả gạo, thường có giá đắt hơn. 

Tuy nhiên, do chỉ có mỗi một mặt hàng gạo tăng giá, nên thực tế khoản ngân sách dành cho ăn uống của mỗi du học sinh Việt cũng không tăng thêm là bao. Khánh Ly – sinh viên trường LaTrobe, Melbourne – cho biết: “Trung bình hàng tháng tiền thực phẩm chiếm gần một phần ba tổng chi tiêu, vào khoảng 200 đô Úc. Thực tế giá gạo tăng không ảnh hưởng quá nhiều tới cuộc sống, nếu không muốn nói là không có cảm giác gì ngoài việc hơi ngạc nhiên vì giá gạo tăng gấp đôi trong thời gian ngắn. Do đó, tôi vẫn có thể muốn ăn gì thì cứ việc mua”. 

Thử làm một phỏng vấn nhanh với một số bạn bè đang học tại Úc, được biết con số 200 đô Úc/tháng là mức trung bình phổ biến được chi dùng cho thực phẩm. Thậm chí với khoản tiêu này, nhiều bạn còn đánh giá là khá thoải mái. Tuy nhiên cũng cá biệt có bạn tiết kiệm được nhiều hơn từ việc chăm chỉ đi chợ vào những lúc hạ giá bán rẻ. 

Hải Long – hiện đang học lớp Anh ngữ dự bị tại Language Centre, Đại học LaTrobe – một tháng chỉ tiêu hết 150 đô cho ăn uống: “Em hay đi chợ Footscray vào cuối tuần. Vì chợ này thực phẩm rẻ và cuối tuần họ sale nên càng rẻ nữa nên em đi chợ một lần cho cả tuần. Từ nhà em tới chợ Footscray rất xa, mất tới một tiếng rưỡi đi xe buýt, nhưng cuối tuần coi như vừa đi chơi, vừa đi chợ, lại tiết kiệm được chi tiêu nên em vẫn đi. 150 đô một tháng chỉ bao gồm những thực phẩm chủ yếu, chứ nếu mua thêm những thứ khác như kem, sữa chua hay bánh ngọt thì có lẽ phải nhiều hơn”. 

Không thể tư duy với cái dạ dày lép 

Dù vậy, trên thực tế, rõ ràng vào thời điểm này, chi tiêu cho việc ăn uống đối với du học sinh Việt tại Úc so với hồi cuối năm 2007 và đầu năm 2008 đã tăng thêm chừng 10-20%. Với đa số các bạn có được một công việc làm thêm thì đây là mức tăng vẫn nằm trong phạm vi chấp nhận được. Tuy nhiên với những bạn mới qua Úc du học và dựa hoàn toàn vào gia đình thì bất kỳ khoản phụ trội nào cũng đồng nghĩa với gánh nặng đè thêm lên vai bố mẹ ở VN, đặc biệt trong hoàn cảnh giá đô Úc đang tăng rất cao so với đồng VN. 

Đan Thanh – một sinh viên VN sẽ qua Úc vào tháng 7 tới – cho biết: “Em rất lo lắng khi đồng đôla Úc tăng quá cao, và khi biết giá thuê nhà, học phí và giờ đây cả giá thực phẩm cũng tăng tại Úc, em càng suy nghĩ hơn. Chắc chắn em sẽ phải cố gắng kiếm việc làm thêm cuối tuần ngay khi qua Úc. Và như vậy sẽ không có ngày cuối tuần nghỉ ngơi như ở VN. Một chút chán nản”. 

“Có thực mới vực được đạo”, rõ ràng là không thể tư duy với cái dạ dày lép kẹp, và nếu xét trên khía cạnh này thì những du học sinh VN tại Úc hiện nay đỡ hơn rất nhiều so với những bạn học của mình đang ở quê nhà. “Vất vả trăm bề, miếng cơm thời tăng giá” – đọc báo điện tử trong nước mà đôi khi thấy đắng lòng cho những kẻ cùng mang thân sĩ tử. Sinh viên đi học xa nhà, dù trong nước hay ngoài nước, ai cũng cùng chung những nỗi niềm cảm nhận như nhau nếu cùng hoàn cảnh một thân một mình bươn chải tự sống.

Và còn một niềm tin phía trước đủ để neo cái bền lòng trong những khó khăn. 

 

Nguồn: Báo Lao Động

 

Share.

Leave A Reply