Hành trình của một học sinh…”dở” xin học bổng du học

0


​Nguyễn Nhật Huy Thông – Du học sinh Việt đang công tác tại Đan Mạch chia sẻ kinh nghiệm của học sinh "dở" xin học bổng.

​Nguyễn Nhật Huy Thông – Du học sinh Việt đang công tác tại Đan Mạch chia sẻ kinh nghiệm của học sinh "dở" xin học bổng.

Nguyễn Nhật Huy Thông – du học sinh Việt đang công tác tại Đan Mạch đã chia sẻ kinh nghiệm về việc đạt được học bổng khi bản thân là một học sinh không quá xuất sắc.

Phạm Nhật Huy Thông cho biết, học bổng mà mình đạt được đến từ tháng ngày rèn luyện. Những điều Huy Thông chia sẻ không phải là “chiếc đũa thần” có thể giúp bạn đạt học bổng chỉ sau 1-2 tháng. Sau nhiều năm du học và hiện giờ đã đi làm, Huy Thông đã tư vấn và tiếp xúc với nhiều bạn trẻ đang "loay hoay" xin học bổng

Nếu GPA thấp, bạn đừng đâm đầu vào các học bổng merit-based

Điều này khá rõ ràng, tưởng như ai cũng biết, nhưng mình rất ngạc nhiên khi rất nhiều bạn “cố gắng” lờ GPA của mình và lao vào các học bổng merit-based (học bổng được cấp bởi một trường đại học hoặc các tổ chức ngoài trường đại học). Theo lập luận của các bạn thì nộp hồ sơ cũng không mất gì nên…thử vận may. 

Mình đồng ý là chuyện gì cũng nên thử qua để hiểu, tuy nhiên việc “thử” phải có tính toán để tăng độ “hên” của mình và nếu thất bại thì mình cũng biết mà tránh. Hơn nữa, mỗi lần “thử” là bạn đang đánh liều để nhận đơn từ chối và các bạn nên hiểu, mỗi lá thư từ chối, dù lời lẽ lịch sự, cũng đều tàn nhẫn dập tắt tinh thần “bùng cháy” của bạn.

Như vậy, câu hỏi là làm sao biết học bổng này là merit-based? Để hiểu học bổng muốn gì bạn sẽ cần có quá trình tìm hiểu về chiều sâu của người cấp học bổng cho bạn. Bạn nên hiểu được người cho bạn học bổng họ quan tâm điều gì? Họ đang làm gì? Họ dư tiền cho học bổng thì họ cần điều gì? Những điều này, không có câu trả lời chung nào cả.

Sau khi nghiên cứu xong, bạn cũng nên tùy biến hồ sơ của mình sao cho phù hợp với từng học bổng. Săn học bổng là quá trình không vui vẻ gì cho cả giám khảo lẫn ứng viên, một bên thì thấp thỏm không biết số phận của mình, một bên thì bị bao vây với vô tận núi giấy tờ. Bạn có thể làm cho công việc của giám khảo dễ thở hơn và tăng khả năng đậu cho mình bằng việc tùy chỉnh hồ sơ cho từng học bổng, đảm bảo giám khảo tìm được cái họ muốn tìm, đừng ghi chung chung để người xem hồ sơ phải đoán xem bạn đang suy nghĩ gì.

Tìm đến một hoạt động xã hội

Các bạn có thể thấy rất nhiều nơi khuyên hoạt động xã hội quan trọng chất lượng chứ không phải số lượng, nhưng không ai nói cho bạn biết chất lượng là gì và làm sao để có “chất”. Mình nói ngắn gọn chất lượng trong hoạt động xã hội đó là công việc bạn làm phải tạo ra một va chạm nào đó rõ rệt.

Ví dụ bản thân để bạn dễ hình dung, khi xưa mình tham gia vào một tổ chức về Supply Chain, nơi này hay tổ chức các hội thảo về nghề cũng như các sự kiện hướng nghiệp cho sinh viên. Nếu mình chỉ tham gia kiểu “participant”, tức tham gia cho có chứng nhận mình đã từng là thành viên, ai bảo gì làm đó – không có vai trò gì cả, thì bạn thấy rõ giám khảo họ nhìn vào chẳng thấy mình có gì ghê gớm, cũng chẳng thấy “tố chất” gì cả.

Mình ý thức được điều này, khi tham gia, mình đăng kí làm “trainer”, cụ thể mình tư vấn hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng supply chain cho các bạn sinh viên. Mình làm điều này trong 1 năm. Với cách làm này, giám khảo thấy rõ mình là một người có thiên hướng xã hội, mình cũng tạo ra được những thay đổi tích cực trong cộng đồng supply chain và mình được 1 điểm cộng.

Ví dụ này để các bạn thấy, chất lượng nó quan trọng như thế nào, dù gần 30 năm cuộc đời mình mới tham gia được 1 năm hoạt động xã hội nhưng đã thay đổi hồ sơ ra sao. Mình muốn khuyên các bạn tham gia hoạt động xã hội thì nên tìm cho mình một vai trò, trách nhiệm cụ thể, tuyệt đối không tham gia kiểu “cho vui”.

Kế hoạch rõ ràng cho tương lai dù hồ sơ “yếu”

Khi tư vấn cho các bạn, mình nhận thấy 90% các bạn đều không rõ kế hoạch tương lai của mình là gì, kiểu như “em rất muốn đi du học, nhưng du học xong để làm gì thì…em chưa biết” – không trả lời được câu này rõ ràng, bạn chắc chắn “trắng tay” dù hồ sơ của bạn hoành tráng hay không. Điều này là “vấn nạn” chung nhưng nó cũng là cơ hội cho các bạn, vì nếu bạn có định hướng rõ ràng, bạn đã vượt lên trước 90% ứng viên rồi. Mình không thể chỉ các bạn trả lời câu này được, nhưng mình biết một câu trả lời tốt.

Một kế hoạch rõ ràng đó là một kế hoạch giám khảo đọc xong, họ có thể biết: Bạn muốn làm cái gì? Kế hoạch của bạn giải quyết vấn đề gì? Kết quả bạn kì vọng là gì? Kế hoạch này có khả thi với năng lực và background của bạn không? Vấn đề mà bạn giải quyết nó có thực tế không? Và bạn sẽ thực hiện kế hoạch này trong bao lâu? Bạn cũng lưu ý thêm, học bổng cũng là một hình thức giúp đỡ xã hội, cộng đồng nên kế hoạch của bạn cũng nên có gì đó hướng tới xã hội, một kế hoạch “ quá ích kỉ” – kiểu chỉ để phát triển bản thân chắc chắn không được ưu tiên rồi.

Tất cả những tiêu chí trên, khi nói nghe rất đơn giản, mình chỉ mất có 10 giây là đọc xong thôi, nhưng để bạn trả lời có chiều sâu, bạn sẽ cần rất nhiều thời gian để suy nghĩ, cảm nghiệm với bản thân mình. Bản thân mình cũng không hề có những điều này từ lúc apply, mình chỉ bắt đầu cảm nghiệm khi đã “te tua” với thư từ chối. Nếu bạn nhận ra điều này sớm hơn, mình tin bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian để có học bổng.

Trên đây là những chia sẻ từ một học sinh "dở" vượt khó, mình tin không có đường tắt nào đến thành công cả, nhưng nếu các bạn có lộ trình và hướng dẫn rõ ràng, con đường của bạn sẽ là ngắn nhất.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo GDTĐ

Share.

Leave A Reply