Khủng bố không thể ngăn sinh viên tới Paris

0

SSDH – “Sau vụ khủng bố tại Paris, nhiều người hỏi tôi vẫn giữ ý định sang Pháp chứ? Là sinh viên nuôi ước mơ du học Pháp, tôi không ngần ngại đáp: Tất nhiên rồi!”, Phạm Thanh Tùng viết.

 

Người ta hay nói đến Pháp là đất nước của tình yêu. Đối với tôi, Pháp còn là tòa lâu đài tri thức. Là sinh viên năm cuối ngành Luật học, ưu tiên lớn nhất của tôi sau khi ra trường là đến nước Pháp – nơi có ngành khoa học pháp lý hàng đầu thế giới.

 

Tôi làm quen với tiếng Pháp từ năm đầu đại học. Hơn ba năm theo đuổi môn ngoại ngữ “khó nhằn” này, tôi biết đến nước Pháp qua tháp Eiffel – trung tâm của Kinh đô ánh sáng; qua Viện bảo tàng lớn nhất thế giới – Luvre; và cả những tác phẩm kinh điển của Voltaire, Victor Hugo… Dần dần, tôi yêu nước Pháp từ lúc nào không biết.

 

Khủng bố không thể ngăn sinh viên tới Paris

Sinh viên Việt Nam tìm hiểu về giáo dục Pháp.

 

Tôi đã mơ về một ngày được dạo bước trong khuôn viên Đại học Paris Sorbonne, đắm mình trong khoa học xã hội; hay hòa vào những cánh đồng nho bất tận của Bordeaux; ngồi trên giảng đường đại học nơi Montesquieu từng học.

 

Tôi cũng thích đến Đại học Toulouse tọa lạc trên thành phố cổ kính của châu Âu thời Trung Cổ. Những giấc mơ đó thúc đẩy tôi theo đuổi du học Pháp.

 

Những người bạn Pháp từng nói với tôi, học tập tại đây hoàn toàn không phải đóng học phí, sinh hoạt phí cũng rất rẻ. Đất nước này luôn mở cửa chào đón sinh viên trên khắp thế giới.

 

Thế nhưng, thời gian qua, nước Pháp trở thành mục tiêu tấn công của khủng bố. Nỗi đau thương sau vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo còn chưa nguôi thì thứ sáu ngày 13 vừa qua, Paris lại chìm trong mất mát.

 

“Trái tim” của châu Âu, trung tâm của văn hóa nghệ thuật và học thuật đã bị tấn công. Nhà hát, sân vận động bị đánh bom, xả súng. Nhiều trường học phải đóng cửa vô thời hạn.

 

Sự kiện vừa qua cũng là cú sốc lớn cho 2.500 sinh viên Việt Nam đang học tại Paris và hàng nghìn du học sinh trên toàn nước Pháp. Đó cũng là khoảng thời gian lo âu, thấp thỏm của hàng nghìn gia đình Việt Nam có con em đang học tập tại đất nước này.

 

Nhưng, đằng sau những cảm xúc tiêu cực, tôi vẫn thấy ở các bạn sinh viên sự lạc quan thông qua những dòng trạng thái trên mạng xã hội. Họ xích lại gần nhau và gần hơn với những người bạn Pháp. Nhiều du học sinh thức trắng đêm để liên lạc với bạn bè.

 

Trong lúc đen tối, chúng ta thấy thật nhiều điểm tích cực. Ngoài đường phố, cảnh sát xả thân tiêu diệt những kẻ khủng bố. Trên mạng xã hội, người Pháp để Hashtag #PorteOuverte nhằm giúp đỡ những ai cần chỗ trú ẩn. Nước Pháp đã đối mặt chủ nghĩa khủng bố một cách kiên cường và đầy nghị lực.

 

Người Pháp từng đứng lên mạnh mẽ với cuộc tuần hành “Je suis Charlie” và chắc hẳn rồi, họ sẽ lại đứng lên với cuộc tuần hành “Je suis Paris”.

 

Sau thảm họa vừa qua, tôi đã nghe rất nhiều người hỏi cùng một câu: “Vẫn giữ ý định sang Pháp du học chứ?”. Khi đó, tôi đã thoáng nghĩ đến những ngôi trường có thể bất ngờ bị đánh bom. Tôi cũng nghĩ nhiều về một đất nước văn minh nhưng bên trong nó cũng còn những mâu thuẫn phức tạp.

 

Nhưng, nhìn vào sự hy sinh của hơn 150 nạn nhân của hàng loạt vụ tấn công, tôi hiểu rằng không thể để những kẻ khủng bố giành chiến thắng. Tôi, cũng giống như gần 2.500 du học sinh Việt Nam, đang thực hiện giấc mơ học thuật tại Paris, sẽ sát cánh với người Pháp để đấu tranh cho quyền được hưởng cuộc sống hòa bình và một nền giáo dục tốt nhất. Tôi đã trả lời: “Tất nhiên, tớ sẽ đi du học Pháp!”.

 

Hẹn gặp lại vào mùa thu năm sau nhé Paris. Tôi sẽ chinh phục được thành phố hoa lệ này. Giờ đây, tôi lại ngồi vào máy tính và gõ ra những dòng chữ trong tập hồ sơ xin học bổng của mình: “J’ai un rêve: aller à la France pour faire mes etudes sur le Droit international…” – tôi có một giấc mơ: đến Pháp để thực hiện việc nghiên cứu Luật quốc tế.

 

Nguồn: Zing

Share.

Leave A Reply