Nhật Bản: Chia sẻ tài chính giáo dục với người dân

0

Sẵn sàng du học – Là quốc gia có nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới nhưng Nhật Bản chi ngân sách khá khiêm tốn cho giáo dục. Để cánh cửa GD rộng mở hơn với những hộ kinh tế khó khăn, Nhật Bản đang đề ra nhiều giải pháp chia sẻ gánh nặng tài chính với người dân.

nhat-ban

Chi ngân sách GD khiêm tốn

Theo báo cáo mới công bố của OECD (có 35 quốc gia thành viên) về mức chi ngân sách quốc gia cho các cơ sở giáo dục từ tiểu học tới đại học theo % GDP – Nhật Bản đạt mức 3,2%, thấp xa so với mức trung bình 4,4% của OECD.

Trong báo cáo năm ngoái, Nhật Bản đã thoát khỏi vị trí “bét bảng” sau 6 năm liên tiếp đứng cuối, thì năm nay nước này lại rơi xuống vị trí “đội sổ” quen thuộc.

Mặc dù sách giáo khoa được cấp miễn phí và ngân sách nhà nước chi cho giáo dục phổ cập từ tiểu học tới THPT tương đối rộng rãi – thì khu vực nhà trẻ, mẫu giáo và đại học phụ thuộc chủ yếu vào hộ gia đình.

Tại Nhật Bản, 80% trẻ 3 tuổi và 94% trẻ 4 tuổi học tại các nhà trẻ. Tuy nhiên, nghiên cứu của OECD cho thấy chỉ 46% chi phí cho GD trẻ em sớm được cấp từ ngân sách. Đây là mức thấp nhất trong các nước OECD.

Tương tự, tỉ lệ chi ngân sách cho GD đại học cũng chỉ đạt 0,5% GDP – ít hơn một nửa mức trung bình của OECD là 1,1%.

Trong năm tài chính 2015, phí nhập học và học phí là khoảng 2,4 triệu yen để hoàn thành chương trình học 4 năm tại các trường ĐH công lập và khoảng 3,7 triệu yen tại các trường tư – theo Bộ Giáo dục. Khoảng 70% sinh viên đại học vào học các trường tư.

Bên cạnh đó, nhiều trẻ em Nhật học thêm tại trung tâm dạy thêm – làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho hộ gia đình.

Nếu một học sinh theo học trường tư trong cả 15 năm từ mẫu giáo tới THPT sẽ mất trung bình 17,7 triệu yen cho chi phí giáo dục như học phí và phí học ngoại khoá – theo nghiên cứu của Bộ Giáo dục năm 2015. Con số này nhiều hơn 12 triệu yen so với một học sinh học trường công.

Chia sẻ gánh nặng

Nhằm giảm gánh nặng GD cho người dân, Thủ tướng Abe đang đề xuất nhiều biện pháp trình quốc hội như miễn học phí cho bậc nhà trẻ mẫu giáo và giảm gánh nặng tài chính với GD đại học.

Thủ tướng mới đây kêu gọi “bảo đảm cơ hội cho mọi người tiếp nhận GD đại học”. Theo đó tăng cơ hội vào đại học bằng cách tăng học bổng miễn hoàn trả hoặc các biện pháp miễn hoặc giảm học phí.

Hiện tại, gần một nửa tổng số sinh viên đại học sử dụng tín dụng sinh viên. Tuy nhiên nhiều người khó trả nợ sau khi tốt nghiệp. Chính phủ đã lập học bổng miễn hoàn trả trong năm nay, tuy nhiên khi học bổng này được thực hiện trong năm tới thì chỉ có khoảng 20.000 sinh viên, tương đương 2% tân sinh viên tiếp cận được.

Đề xuất “hệ thống hoàn trả tuỳ thuộc vào công việc” (theo đó cử nhân hoàn trả nợ vay tuỳ thuộc vào thu nhập) cũng đang được chính phủ xem xét.

Đối với giáo dục trẻ em sớm, gánh nặng tài chính đã dần được giảm đi. Chính phủ trung ương và các địa phương cung cấp hỗ trợ cho những gia đình có con học nhà trẻ tuỳ thuộc vào những yếu tố như thu nhập. Trong 1,25 triệu trẻ học nhà trẻ tư, hơn 80% đã nhận được hỗ trợ trong năm nay. Khoảng 120.000 trẻ, tương đương 9,6% trẻ được miễn phí.

Tuy nhiên để miễn phí hoàn toàn cho tất cả trẻ em từ 3 đến 5 tuổi sẽ cần khoảng 730 tỉ yen.

Ý niệm ăn sâu rằng “phụ huynh chịu trách nhiệm giáo dục và không nên dựa vào chính phủ” đứng phía sau mức chi ngân sách thấp cho giáo dục – theo Giáo sư Masayuki Kobayshi tại ĐH Tokyo, chuyên gia về xã hội hoá GD. Tư tưởng văn hoá này cũng phổ biến tại nhiều khu vực ở Đông Á như Hàn Quốc và Đài Loan.

Thái Hải (SSDH) – Theo GDTĐ

Share.

Leave A Reply