SSDH – Du học Anh là thị trường khá đắt đỏ, ngoài tầm với của nhiều gia đình. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều loại hình hỗ trợ tài chính để sinh viên quốc tế có thể theo học ở Anh như học bổng du học, hỗ trợ tài chính, phần thưởng bằng tiền…
Theo thông tin từ Hội đồng Anh, năm 2012, khoảng 33% học sinh các trường tư thục tại nước này nhận được hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, còn có nhiều chương trình học bổng của chính phủ, các tổ chức từ thiện… du học Anh không phải là cánh cửa không thể mở với những học sinh có ý chí và biết tìm kiếm cơ hội.
Lướt web tìm Học bổng du học:
Nhiều du học sinh Anh đã tiết lộ về trang web Education UK, nơi có thể tìm kiếm hàng ngàn Học bổng du học với công cụ “Tìm kiếm hệ thống giáo dục Vương quốc Anh”. Công cụ này tuy không liệt kê tất cả các loại Học bổng du học của Anh nhưng là sự khởi đầu cho quá trình tìm kiếm học bổng.
Các tay săn Học bổng du học cũng thường ghé thăm trang web của chính những trường đang quan tâm để tìm kiếm học bổng. Trên trang web của các trường có thể có những chương trình Học bổng du học hay hỗ trợ khá hấp dẫn mà không thể có ở các trang web học bổng khác.
Dù điều kiện khá khắt khe nhưng bạn cũng không nên bỏ qua các chương trình Học bổng du học của chính phủ, các tổ chức từ thiện như:
- Học bổng du học Chevening của chính phủ Anh http://www.chevening.org
- Các Học bổng du học của Khối Thịnh vượng chung http://cscuk.dfid.gov.uk/apply/
- Học bổng du học Erasmus http://www.erasmusprogramme.com/erasmus_scholarships.php
- Và các khoản hỗ trợ của Hiệp hội Hoàng gia https://royalsociety.org/
Nhu cầu Học bổng du học luôn cao hơn rất nhiều so với nguồn cung cấp. Do đó, lời khuyên của nhiều chuyên gia tư vấn du học là để tạo cơ hội cho mình, các bạn trẻ phải có quá trình chuẩn bị nộp hồ sơ trước một năm và nên nộp càng sớm càng tốt.
Đa dạng nguồn hỗ trợ tài chính
Về hỗ trợ tài chính, bạn có thể vào trang Công cụ Tìm kiếm Học bổng du học trong niên giám của các trường tư thục (http://www.isyb.co.uk/searchScholarships.php) để bắt đầu tìm kiếm.
Chính phủ Anh cũng có những khoản cho vay hoặc hỗ trợ tài chính tùy thuộc quốc tịch của bạn. Hãy vào trang web của UKCISA (http://www.ukcisa.org.uk/) để biết mình có đủ điều kiện nhận khoản vay hay hỗ trợ tài chính không.
Đối với sinh viên cao học, thông tin về hỗ trợ tài chính có thể tìm thấy trên nhiều trang web như: Postgraduate Studentships (http://www.postgraduatestudentships.co.uk/) và các chương trình học bổng (http://www1.scholarship-programs.org/?kw=scholarships).
Hội đồng Anh lưu ý: Kể cả với hỗ trợ tài chính, có thể bạn vẫn phải tự trả một số chi phí như đi lại, chỗ ở và một phần học phí. Do đó, bạn hãy tìm hiểu kỹ khoản mục nào được và không được hỗ trợ để có sự chuẩn bị chu đáo. Thời điểm thích hợp để tìm kiếm hỗ trợ tài chính là trước khi đăng ký nhập học vì sẽ rất khó tìm được hỗ trợ khi sinh viên đã đi được một nửa chặng đường của năm học. Nếu bạn gặp khó khăn tài chính, hãy truy cập trang web của UKCISA để tìm kiếm những lời khuyên bổ ích.
Chuẩn bị kỹ khi du học
Du học không chỉ là chuyện chuẩn bị tài chính mà còn liên quan đến nhiều vấn đề về cuộc sống. Du học sinh phải có sự chuẩn bị trước để không bỡ ngỡ và có thể hòa nhập với môi trường mới một cách thuận lợi.
Trần Hoàng Yến – sinh viên năm thứ nhất Trường Queen Mary, University of London – cho biết: “Khi ở Việt Nam, tôi đã có bằng IELTS nhưng sang Anh, tôi vẫn không thể nghe kịp bài học và nói sai khá nhiều. Khóa học A-level của tôi cũng khác so với chương trình các du học sinh Việt Nam hay lựa chọn. Nó kéo dài trong vòng 18 tháng thay vì 2 năm như bình thường nên lượng kiến thức mỗi buổi học sẽ được đôn nhiều hơn, khiến tôi khá vất vả, phải chạy đua cho kịp chương trình. Việc học đã cản trở tôi khá nhiều trong vấn đề hội nhập với cuộc sống mới”.
Những ngày đầu tiên ở nước Anh, Trần Hoàng Yến gặp khá nhiều khó khăn. Do không có sự chuẩn bị kỹ từ trước nên cô khá bỡ ngỡ trong mọi vấn đề gặp phải ở đây. “Chính vì vậy, bài học đầu tiên tôi rút ra được chính là không được chủ quan, phải trang bị đầy đủ thông tin cho mình trước khi du học” – Trần Hoàng Yến nhấn mạnh.
Thục Uyên (SSDH) – Theo NLĐ