SSDH – Vũ Thùy Ngân vừa được Yale University, đại học xếp thứ 3 Mỹ, thứ 10 thế giới theo bảng xếp hạng danh tiếng US News, gọi tên trong danh sách trao học bổng 4 năm.
Thùy Ngân đang là học sinh cuối cấp, lớp chuyên Sinh trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam. Giống nhiều Amsers khác, em nuôi ước mơ du học từ lúc nhỏ. Tuy nhiên, không đi theo con đường truyền thống mà hầu hết mọi người cho rằng sẽ thuận lợi cho việc du học là vào các lớp chuyên Anh, Toán của Ams, Ngân chọn chuyên Sinh vì đam mê của bản thân, dù đỗ cả lớp Anh.
Những năm cấp 2, khi theo học lớp Toán 1 của THCS Hà Nội-Amsterdam, Thùy Ngân liên tiếp đạt được giải cao, huy chương trong các kỳ thi như: Huy chương vàng Olympic Toán châu Á-Thái Bình Dương năm 2010, Huy chương bạc Olympic Toán thành phố Hà Nội mở rộng năm 2012…
“Bạn bè cứ bảo em học tốt Toán, tiếng Anh thì vào chuyên Sinh sẽ rất phí, nhưng em thực sự cảm thấy hạnh phúc khi được tìm hiểu về bộ môn khoa học của sự sống này”, Ngân chia sẻ và cho rằng Toán và tiếng Anh đều là những môn học hay, nhưng sau cùng chỉ là công cụ cơ bản, gần như bất biến. Ở Sinh học, em tìm thấy sự biến đổi không ngừng và vẫn còn rất nhiều câu hỏi về thế giới của sự sống mà con người chưa thể hiểu được hết. Sự kỳ bí ấy khiến em bị cuốn hút.
Vũ Thuỳ Ngân và cô giáo dạy môn Sinh học của THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam. Ảnh: NVCC.
Mặc dù đã xác định mục tiêu du học từ rất sớm, song Ngân không tự ép mình phải vào một trường danh giá để sau đó phải học ngày đêm. Em chọn cách học thật thoải mái, phù hợp với khả năng và sở thích của mình, rồi sau đó mới gửi hồ sơ vào trường “vừa sức”.
Với quan điểm như vậy, để khám phá bản thân và phát triển toàn diện, Ngân hạn chế việc tham gia quá sâu vào các kỳ thi học sinh giỏi như thời cấp 2 và dành thời gian thêm cho các niềm đam mê khác như âm nhạc, ngôn ngữ hay bóng rổ. Em là chỉ đạo chuyên môn của câu lạc bộ âm nhạc Glee Ams, cùng đồng đội rinh ngôi Quán quân cuộc thi tài năng trường Ams, mở triển lãm, diễn nhạc kịch…
Dù dành nhiều thời gian hoạt động ngoại khóa, việc học của Ngân vẫn đảm bảo. Thi thoảng, em vẫn thử thách bản thân bằng một số kỳ thi và tiếp tục đạt giải cao như: Giải nhì kỳ thi học sinh giỏi Sinh học cấp thành phố năm 2013, giải nhì kỳ thi giải Toán Sinh học trên máy tính CASIO khu vực miền Bắc năm 2014, huy chương bạc cuộc thi tìm giải pháp cho vấn đề môi trường Actions for Earth tại Singapore năm 2014.
Với thành tích học tập xuất sắc trong bộ môn Sinh học nói riêng và khả năng học toàn diện ở nhiều môn khác, Ngân nhận được học bổng danh dự của trường Ams trong liên tiếp 7 năm và học bổng khoa học của tiến sĩ người Pháp Odon Vallet năm 2014.
Khi nộp hồ sơ du học, Thuỳ Ngân cho rằng, điều quan trọng nhất là phải chọn trường theo đúng năng lực, sở thích của bản thân, bởi đây sẽ là môi trường chúng ta gắn bó trong suốt 4 năm tiếp theo. Nếu chỉ vì tham vọng rồi dùng mọi cách để đỗ vào trường top vượt quá khả năng, sinh viên có thể bị stress và cô lập giữa những người giỏi giang thực sự xung quanh.
Ngân chọn Yale University cũng bởi mục tiêu đào tạo của trường là phát triển sinh viên một cách toàn diện nhất – trùng với thiên hướng theo đuổi cả khoa học và nghệ thuật của chính em.
Yale University thuộc khối Ivy League – nhóm các đại học lâu đời và danh giá nhất nước Mỹ và có tỷ lệ nhận vào khá thấp (năm 2015 là 5,7%) nên Ngân không dám kỳ vọng quá nhiều. “Ngày nhận kết quả với chữ ‘Congratulations’ đã thay đổi em rất nhiều, giúp em nhận thức rõ hơn về năng lực của chính mình và học cách không tự đánh giá thấp bản thân nữa”, Ngân chia sẻ và cho hay trong thư chúc mừng của trường Yale có gửi kèm một bức thư viết tay nói rằng, điều ban tuyển sinh thích nhất trong bộ hồ sơ của em chính là bài luận.
Thuỳ Ngân khi ở Pháp trong chuyến trải nghiệm một tháng sống cùng gia đình gốc Algeria. Bài luận gửi Yale University khiến trường bị thuyết phục và trao học bổng cho em, xuất phát từ chuyến đi này. Ảnh: NVCC.
Ban đầu cầm bút viết luận cho ngôi trường “khó nhằn” này, Ngân cũng giống nhiều học sinh khác mang tư tưởng phải viết về chủ đề thật “đao to búa lớn”, dùng ngôn ngữ bóng bẩy để làm mình nổi bật giữa hàng nghìn ứng viên. Tuy nhiên, em đã rất mệt mỏi vì cố làm lớn chủ đề và sử dụng ngôn ngữ hàn lâm. Những lời khuyên từ nhà tuyển sinh của đại học Yale rằng họ không tìm kiếm thiên tài mà tìm người trẻ còn nhiều thiếu sót nhưng biết nhận thức và mong muốn thay đổi những thiếu sót ấy, đã thay đổi suy nghĩ trong em.
Ngân nhận ra, bài luận phải được bước ra từ chính cuộc sống của mình, là những trải nghiệm chân thực của bản thân. “Nó là thứ duy nhất trong bộ hồ sơ thể hiện rõ nét nhất con người của mình nên mình cần trung thực với nó, suy nghĩ sâu sắc, thấu đáo về chủ đề rồi tự viết ra và chấp nhận cái sai, cái nhìn còn chưa đầy đủ của bản thân – một thanh niên mới 17-18 tuổi”, Ngân chia sẻ.
Với cách nhìn đó, Ngân lựa chọn viết về sự mâu thuẫn, băn khoăn chưa có lời giải trong suy nghĩ của em với đất nước Pháp. Tình yêu dành cho quốc gia này có vai trò đặc biệt – là ngọn nguồn niềm yêu thích của em trong khoa học, nghệ thuật cũng như trong mọi những khía cạnh khác của cuộc sống. Bài luận được viết sau khi em trở về từ một tháng mùa hè sống cùng gia đình gốc Algeria tại Pháp.
Chuyến đi ấy khiến em băn khoăn với câu hỏi: liệu tình yêu em dành cho nước Pháp có phải một thứ tình cảm thuần túy hay em chỉ là một nạn nhân khác của hiện tượng ‘decolonial aesthesis’ – hiện tượng mà những người con của các đất nước thuộc địa cũ, như Việt Nam hay Algeria, cảm thấy thua kém và trở nên sùng bái chính quốc gia đã đô hộ mình.
“Bài luận đặc biệt này đã đưa ra góc nhìn khác mà hồ sơ cá nhân gồm bảng điểm và các thành tích học tập, ngoại khoá… không thể hiện được hết về em”, Ngân nói. Em cũng gửi kèm bài luận thứ hai về niềm đam mê không tách rời dành cho cả khoa học và nghệ thuật.
Nói về toàn bộ quá trình làm hồ sơ, Ngân kết luận, đó chính là quá trình khám phá, nhìn lại bản thân. Quá trình đó có phần công sức rất lớn của cha mẹ, thầy cô, người đã khơi gợi đam mê, định hướng, khích lệ và chăm sóc em từng ngày.
Nguồn: Vnexpress