SSDH – Ph. D là viết tắt của chữ Doctor of Philosophy. Nghĩa là Tiến sĩ, Học bậc Ph.D, cao nhất trong các học bậc, đầu tiên xuất hiện ở Đức, sau đó được Mỹ và nhiều nước phương tây khác sử dụng. Bằng Ph.D đầu tiên của Mỹ xuất hiện khoảng cuối thế kỷ 18.
Ảnh minh họa
Tôi đã nhận được khá nhiều yêu cầu từ các bạn và người quen của mình hỏi về kinh nghiệm xin học bổng để học Phd tại Úc trong một năm qua. Bài viết ngắn này ghi lại những điều tôi đã chia sẻ với các bạn.
Trước hết, tôi phải nói rằng tôi mới đi được một chặng rất ngắn trên hành trình gian nan của mình. Tôi chỉ có thể biết những gì mình đã trải qua, mà không thể biết những gì đang đợi mình ở phía trước. Vì vậy, những gì tôi chia sẻ với các bạn ở đây chỉ dựa trên những kinh nghiệm hạn chế đó. Thứ hai, tôi sẽ không bàn về những cách thức để có thể thành công trong việc xin học bổng. Bạn có thể tìm những thông tin loại đó ở rất nhiều nơi. Tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn những cân nhắc cần thiết khi quyết định học Phd.
Xét về góc độ bằng cấp, chắc bạn biết rõ rằng tấm bằng tiến sỹ (Phd) là cấp độ cao nhất trên con đường học thuật. Tuy nhiên, có thể bạn chưa biết rằng trong một hệ thống giáo dục như ở Úc thì tấm bằng Phd không phải là sự kết thúc, mà chính là sự khởi đầu của một nghề mang tính chất chuyên nghiệp – nghề nghiên cứu. Khác với học đại học, hoặc cao học, Phd được biết đến như một “hành trình cô đơn” nơi một mình bạn theo đuổi một hành trình của riêng bạn trong 3-4 năm.
Nếu ở những bậc học khác, thầy cô sẽ dậy và truyền kiến thức cho bạn thì với Phd bạn cần tự vạch ra con đường mình sẽ đi, tự xây dựng kế hoạch để có thể đi hết con đường đó. Tùy thuộc ngành học và chủ đề nghiên cứu, có thể khi kết thúc hành trình bạn sẽ tới một cái đích mà người khác đã từng tới (hoặc biết đến), nhưng bạn buộc phải tới đó trên một con đường chưa ai đi.
Phd là sự “mài giũa” đầu óc của bạn với mức độ mà bạn sẽ không tưởng tượng được cho tới khi bạn đặt chân vào hành trình ấy. Phd đòi hỏi tư duy của bạn phải độc lập và sáng tạo tới mức cao nhất mà bạn có thể. Phd thử thách độ bền của tâm lý bạn với muôn vàn cung bậc cảm xúc và trạng thái tình cảm, trong đó không thiếu những lúc bạn cảm thấy tuyệt vọng.
Nhiều người quanh tôi thường có giả định rằng với vốn tiếng Anh tốt và kinh nghiệm học thạc sỹ trước đây ở một nước nói tiếng Anh, tôi sẽ không có khó khăn gì đáng kể trong việc tiếp tục con đường học vấn của mình. Đó là một giả định sai lầm như bao nhiêu giả định khác tôi đã từng gặp. Phd là quá trình học để loại bỏ dần những giả định của chúng ta về thế giới bên ngoài – cho tới khi ta tìm được lý do, bằng chứng để chứng minh rằng giả định đó là đúng đắn. Phd là thử thách lớn ngay cả với người bản ngữ. Tại một hội thảo đầu tiên giành cho sinh viên Phd mà tôi tham dự, tôi được nghe các bạn đi trước kể về những kinh nghiệm “rất đáng ngại” của họ trong quá trình nghiên cứu như việc phải thay đổi giáo viên hướng dẫn và thay đổi hướng nghiên cứu giữa chừng.
Bài báo dưới đây bao gồm những lời khuyên hữu ích về những thất bại thường gặp trong việc lựa chọn Phd để bạn cân nhắc.
http://www.guardian.co.uk/education/2002/nov/08/highereducation.books
Những thông tin mà tôi kể ra ở đây hoàn toàn không nhằm mục đích ngăn bạn không lựa chọn Phd. Quyết định của bạn vẫn sẽ là của bạn. Tôi chỉ hy vọng bạn biết rằng khi quyết định theo đuổi Phd nghĩa là bạn đã chọn dấn thân vào một con đường đầy thử thách.
Có lẽ với tất cả mọi người quyết định liên quan tới hướng đi của cuộc đời thường bao gồm nhiều cân nhắc rất thực tế, ví dụ cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, cơ hội sống và học tập tại một nước phát triển v.v. Tuy nhiên, Phd cũng là “một nghề” và cái nghề đặc biệt này đòi hỏi một số tư chất nhất định. Cũng giống như việc bạn chỉ nên theo đuổi nghiệp cầm ca nếu bạn có một giọng hát tốt, bạn chỉ nên làm nhà văn nếu bạn có óc tưởng tượng, và khả năng sử dụng ngôn từ tốt để diễn tả ý nghĩ của mình.
Trước khi tìm kiếm những thông tin về học bổng và lao đầu vào “nghiên cứu” các thủ tục của nhà tài trợ, bạn hãy tự hỏi mình xem bạn có phải là người tò mò, và thích quan sát, tìm hiểu về thế giới xung quanh không? Bạn có hay tự hỏi mình những câu hỏi “như thế nào” và “tại sao” không? Phu nhân Tổng thống Mỹ Roosevelt đã từng có câu nói nổi tiếng: “những đầu óc vĩ đại thảo luận về ý tưởng, những đầu óc trung bình thảo luận về sự kiện, những đầu óc nhỏ bé thảo luận về người khác” (Great minds discuss ideas. Average minds discuss events. Small minds discuss people). Nếu bạn quan tâm tới các ý tưởng thì có nghĩa là bạn có tiềm năng cho việc học Phd. Một yếu tố quan trọng khác không thể thiếu là sự quyết tâm. Bạn hãy nghĩ về một lần bạn thực sự mong muốn làm một điều gì đó cho cuộc đời mình. Bạn có cố gắng “làm bằng được” nó không? Bạn có đủ kiên nhẫn với chính bản thân mình và với hoàn cảnh xung quanh để vượt qua những lúc bạn cho rằng bạn không thể làm được điều đó không? Nếu bạn đã từng vượt qua khó khăn, gian khổ chiến thắng chính bản thân mình thì đó sẽ là “của để dành” đáng quý cho bạn trên hành trình Phd.
Chúc các bạn sáng suốt, và thành công với lựa chọn của mình.
Đông Đức (SSDH) – Nguồn: Australia in Vietnam