Thói ăn cắp vặt của 1 bộ phận người Việt ở Nhật – Đừng chặn đường của các thế hệ du học sinh đi sau!

0

SSDH – Sang Nhật Bản du học, một số du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam đã có những hành vi trộm cắp vặt xấu xí, khiến hình ảnh người Việt xấu đi trong mắt người Nhật.

 

Tại một vài nơi trên đất nước Nhật, người Việt không khỏi đau lòng khi nhìn thấy những tấm biển báo mà người Nhật ghi bằng tiếng Việt với nội dung: “Không được ăn cắp”, “Ăn cắp là hành vi xấu sẽ bị cảnh sát bắt”. Đáng buồn, đó lại là một vấn nạn trong cộng đồng người Việt Nam tại Nhật.

 

Trong một số lần tiếp xúc với cảnh sát Nhật, họ cũng hỏi tôi những câu hỏi xoay quanh vấn nạn này. Và người Việt ở Nhật như chúng tôi cũng không biết phải trả lời sao với họ nữa.

 

Những vụ ăn cắp của người Việt Nam trên báo Nhật

 

Đầu năm nay, báo Ashahi đưa tin 2 sinh viên người Việt, dù kiếm được khá nhiều tiền nhờ đi làm thêm hàng tháng nhưng lại bị bắt vì ăn trộm dê thí nghiệm để giết thịt tại một công viên thuộc tỉnh Gifu ở Nhật.

 

Trong một bài báo gần đây, một nghiên cứu sinh người Việt Nam sang Nhật theo diện học bổng 3 năm cho biết ở Nhật vì giá cả hàng hóa rất đắt đỏ, một đôi giày có giá từ 10 triệu đến 20 triệu nên những người như anh không thể có tiền mua giày và phải ăn cắp. Rồi việc các siêu thị ở Nhật không bắt gửi túi xách nên càng “tạo điều kiện” để có hành vi xấu. Sau nhiều lần ăn cắp các đồ ăn lặt vặt, anh nghiên cứu sinh này còn bê cả một chiếc tủ lạnh 200 lít về nhà để dùng vì giá tủ lạnh quá đắt. Sau đó anh còn ăn cắp rất nhiều đồ đạc để gửi cho người thân ở Việt Nam sử dụng.

 

Mới đây, vào tháng 10, một nữ sinh Việt Nam bị bắt vì ăn trộm thịt lợn trong siêu thị để nấu cho bạn trai ăn. Khi bị bắt và khám người, cô có mang theo trong người khoảng 80 nghìn yên, tức khoảng gần 15 triệu đồng Việt Nam nhưng cô vẫn cố tình ăn cắp gói thịt giá trị chỉ khoảng 50 nghìn đồng.

 

Thói ăn cắp vặt của 1 bộ phận người Việt ở Nhật - Đừng chặn đường của các thế hệ du học sinh đi sau! 

 Chi phí sinh hoạt ở Nhật thực ra không cao như người nước ngoài nghĩ – (Ảnh: Internet).

 

Cô khai cô và bạn trai kiếm được mỗi tháng hơn 40 triệu đồng nhờ đi làm nhiều việc khác nhau. Như vậy không thể nói vì đói nghèo túng bấn mà họ phải đi ăn trộm trong siêu thị. Kết quả nữ sinh này đã bị trục xuất khỏi Nhật. Và thường thì những người rời khỏi nước Nhật với lý do trên sẽ không có cơ hội quay lại Nhật trong tương lai.

 

Những vụ việc trên đây là số ít trong hàng chục vụ người Việt Nam ăn cắp ở Nhật bị bắt giữ, có trường hợp cả tiếp viên hãng hàng không lớn cũng ăn cắp trong thời gian dài và bị dẫn độ về nước.

 

Không thể bao biện hành vi ăn cắp bằng lí do giá cả đắt đỏ

 

Chi phí sinh hoạt ở Nhật thực ra không cao như người nước ngoài nghĩ. Hai thứ chi phí tốn kém nhất là nhà ở và đi lại. Còn với chi phí đồ ăn, thức uống hay đồ dùng sinh hoạt hoàn toàn không quá đắt đỏ. Một đôi giày giá 10 đến 20 triệu đồng như anh nghiên cứu sinh nói thực ra là giá quá cao ngay cả so với rất nhiều người Nhật, nên việc người Việt Nam không có tiền mua là điều tất nhiên.

 

Thói ăn cắp vặt của 1 bộ phận người Việt ở Nhật - Đừng chặn đường của các thế hệ du học sinh đi sau! 

Tấm biển cảnh cáo bằng tiếng Việt trong một siêu thị ở Nhật Bản

 

Quần áo ở Nhật có nhiều loại cao cấp hơn Việt Nam nhưng cũng có rất nhiều hãng bình dân, giá cả chấp nhận được ngay cả khi chưa vào đợt giảm giá. Ví dụ như một chiếc áo sơ mi thông thường có thể mua được ở mức giá khoảng 500, 600 nghìn đồng Việt Nam. Ở thời điểm sale vào khoảng tháng 7 hay tháng 12, chiếc áo sơ mi trên chỉ còn khoảng 300 nghìn, tương đương với giá ở Việt Nam.

 

Đối với thực phẩm, một gói thịt lợn ăn được 1 bữa có giá khoảng 50, 60 nghìn đồng, thịt bò đắt hơn một chút. Tuy nhiên chỉ cần sau 8h tối thì giá giảm đến 50% hoặc hơn nữa. Giá thịt bò và các loại rau củ quả cũng có loại đắt loại rẻ nhưng nhìn chung mỗi tuần kể cả sống ở Tokyo thì ăn uống nấu tại nhà cũng chỉ mất tối đa khoảng 10 nghìn yên (1,8 triệu đồng Việt Nam).

 

Với mức sống trên thì số tiền đi làm của một du học sinh – theo đúng quy định của luật pháp Nhật là 28 tiếng/tuần – hoàn toàn đủ sống chứ không thể đến nỗi cùng cực.

 

Đừng chặn đường sang Nhật của những thế hệ du học sinh về sau

 

Ăn cắp ở bất kỳ nước nào cũng là xấu nhưng với người Nhật, đó còn là một hành vi tồi tệ khủng khiếp. Chắc hẳn chưa ai trong chúng ta quên được rằng sau trận động đất sóng thần năm 2011, dù hàng trăm nghìn người Nhật chìm trong đau khổ, cùng cực nhưng không có hành vi hôi của, trộm cắp, những người no bụng và có áo ấm sẵn sàng trả lại phần ăn, miếng áo của mình cho người thiếu thốn hơn.

 

Giáo sư Gregory Pflugfelder, người đứng đầu bộ môn nghiên cứu về văn hóa Nhật tại đại học Boston, Mỹ, khẳng định ở đâu cũng có người tốt người xấu nhưng chắc chắn rằng ở Nhật, từ “ăn cắp” và bạo lực gần như không có trong từ điển của họ.

 

 Thói ăn cắp vặt của 1 bộ phận người Việt ở Nhật - Đừng chặn đường của các thế hệ du học sinh đi sau!

 Ăn cắp ở bất kỳ nước nào cũng là xấu nhưng với người Nhật, đó còn là hành vi tồi tệ khủng khiếp – (Ảnh: Internet).

 

Người Nhật luôn tôn trọng văn hóa hướng đến cộng đồng, tránh làm ảnh hưởng đến cộng đồng một cách tối đa và cùng lúc đó đóng góp cho cộng đồng càng nhiều càng tốt. Bất kỳ một hành vi phạm tội nào, trong đó có ăn cắp, được coi như gây tổn tại nghiêm trọng đến cộng đồng. Cũng chính vì tâm lý đó mà nước Nhật nằm trong nhóm nước có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới.

 

Lí giải điều này để thấy rằng, những hành vi ăn cắp của một bộ phận người Việt Nam trên đất Nhật –  trong con mắt của người dân đất nước mặt trời mọc – bị coi là vô cùng nghiêm trọng và ảnh hưởng không nhỏ đến cách họ nhìn nhận, đánh giá chung về người Việt Nam.

 

Theo số liệu Bộ Tư Pháp Nhật công bố tính đến cuối tháng 6/2015, có 124.820 người Việt Nam tại Nhật. Tốc độ tăng trưởng về số lượng người Việt Nam nhập cư vào Nhật trong năm vừa qua lên đến 140%.

 

Vì thế có cơ sở để lo ngại rằng nếu vẫn còn những vụ việc tương tự như trên, thì rõ ràng, một số ít người đi trước đang chặn đường sang Nhật của rất nhiều thế hệ du học sinh Việt đi sau.

 

Nguồn: Trí Thức Trẻ

 

Share.

Leave A Reply