SSDH – Những ngày mới đặt chân sang Nhật Bản, mọi thứ đè nặng lên đôi vai người sinh viên đến từ một quốc gia vượt thoát khỏi ngưỡng nghèo.
Hồi mới sang Nhật, tôi và nhiều bạn học người Việt đều có tâm lý là quy đổi những thứ mình mua từ tiền yen Nhật sang tiền Việt Nam và chúng tôi bị choáng bởi giá cả mọi thứ tại đây đều quá đắt. Một gói mì mua ở Việt Nam chừng 6.000-7.000 đồng thì qua đây phải trả gấp bốn, gấp năm lần. Giá đồ ăn, thức uống nói chung ở Nhật cao gấp ba, bốn lần trở lên so với Việt Nam.
Chuyện đi lại bằng phương tiện công cộng cũng khiến giới sinh viên chúng tôi chua xót, thấm thía giá trị “xe buýt 2.000 đồng tại Việt Nam”. Ví dụ, tôi đi từ Tokyo về Niigata với chặng đường 300 km, nếu đi bằng phương tiện trên bộ nhanh nhất là tàu cao tốc Shinkansen thì tốn gần 10.000 yen (2 triệu đồng), còn nếu đi tàu thường hoặc xe buýt thì cũng đắt bằng phân nửa số ấy.
Người Nhật rất tốt và giúp đỡ tôi (bên phải) tận tình vì tôi cố gắng.
Về nơi ở, do tôi ở một vùng thuộc dạng miền quê nên giá cả nhà cửa thuộc dạng rẻ, nhưng phòng ở cũ và rẻ nhất cũng tầm 20.000 yen một tháng (hơn 4 triệu đồng). Ngoài tiền nhà tháng đầu tiên còn có tiền lễ và tiền đặt cọc trả cho chủ nhà; tiền giới thiệu trả cho trung tâm môi giới bất động sản. Tổng cộng khi thuê nhà phải mất số tiền gấp ba, bốn lần tiền nhà tháng đầu tiên nên sinh viên khó khăn mới qua đều phát hoảng.
Nhưng cũng nhờ đó mà tôi học được cách phải tiết kiệm, chỉ chi tiền cho những thứ thật sự cần thiết. Ví dụ, đi chợ mua đồ rồi tự nấu ăn; hôm nào có ý định học đến tối thì mang cơm cho cả trưa lẫn chiều; đi siêu thị mua đồ ăn nên lựa những lúc giảm giá; điện, nước, gas khá đắt nên phải tiết kiệm tối đa.
Dù đã học tiếng Nhật ở Việt Nam được 2 năm nhưng khi qua Nhật tôi vẫn sốc. Nghe người Nhật nói chuyện hằng ngày đã là một thử thách không dễ, đừng nói đến chuyện bước vào lớp học nghe thầy cô giảng bài bằng tiếng Nhật với tốc độ nói còn nhanh hơn. Thế nên lắm khi tôi ngồi trong lớp nghe giảng bài mà cứ như “vịt nghe sấm” vậy, hầu hết là không hiểu.
Trong các môn học phân nhóm để cùng làm bài, các sinh viên Nhật nói chuyện với tốc độ rất nhanh và pha tạp những câu theo kiểu địa phương. Thế nên chỉ các bạn ấy hiểu thôi còn tôi như người… bị bỏ rơi. Để vượt qua được khó khăn này, tôi phải chuẩn bị bài trước ở nhà, đoán xem hôm nay thầy cô sẽ dạy những gì và chuẩn bị từ vựng cho chủ đề đó; đọc trước sách giáo khoa để nắm được trước nội dung và tra những từ mới mình chưa biết.
Nhờ vậy lên lớp mình hiểu và nắm bắt bài trên lớp được tốt hơn, thảo luận nhóm với các sinh viên Nhật cũng có cái để nói. Có đi mới hiểu muốn tồn tại được ở Nhật thì tiếng Nhật phải tốt nên bản thân mình phải tự rèn luyện năng lực tiếng Nhật nhiều hơn mới tiến bộ được, không có chuyện cứ ở Nhật thì tự nhiên sẽ giỏi tiếng Nhật.
Người Nhật hầu hết là tốt bụng, nếu mình có thái độ tốt thì họ cũng đối xử rất tốt với mình. Bạn bè trong lớp cũng vậy, nếu mình hỏi một câu tử tế với thái độ lịch sự thì họ đều nhiệt tình giúp đỡ mình. Điển hình là trong môn thí nghiệm, sinh viên Nhật đã tiếp xúc với các dụng cụ thí nghiệm và cách làm thí nghiệm từ những năm học trước, còn tôi thì đây mới là lần đầu tiên nên họ chỉ dẫn tôi rất tận tình. Nhưng bạn cần lưu ý, không phải cái gì không biết cũng hỏi liền, cũng phải tự tìm hiểu, cái nào không hiểu mới hỏi, để người ta thấy là mình đã cố gắng, không ỷ lại vào họ.
Lúc mới qua Nhật, vì chưa có học bổng, nếu số tiền mang sang có hạn thì sinh viên phải tìm việc làm thêm. Thông tin việc làm thêm ở Nhật rất nhiều như các trang web, tạp chí việc làm phát miễn phí ở căn tin trường hoặc ở các siêu thị. Tuy nhiên, cần nhớ rằng Nhật quy định lưu học sinh không được làm quá 28 tiếng một tuần.
Tôi mạnh dạn gọi điện thoại để xin phỏng vấn khi tìm thấy một công việc bán thời gian phù hợp. Lúc đầu trình độ tiếng Nhật của tôi chưa tốt, lại chưa có kinh nghiệm phỏng vấn nên tôi bị trượt hoài. Nhưng nhờ kiên trì và chân thành, một ông chủ tốt bụng đã nhận tôi vào làm ở một cửa hàng tiện ích 24h. Tiền lương một giờ tầm 800 yen (hơn 160.000 đồng) và tôi chỉ làm khoảng 20 giờ một tuần là đủ sống.
Ngoài ra, tôi nỗ lực kiếm tiền bằng cách giành học bổng. Nếu muốn tự xin học bổng, bạn phải biết cách viết thư thật thuyết phục, tốt nhất là nên nhờ người từng trải giúp như thầy cô, bạn bè. Mặt khác, hãy cố gắng lấy điểm cao trong các môn học, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa để được trường tiến cử. Ví dụ, học bổng Chính phủ Nhật JASSO, trị giá 50.000 yen một tháng (hơn 10 triệu đồng) trong một năm. Cộng với tiền làm thêm, vừa đủ phí sinh hoạt vừa đủ học phí, còn dư thêm tiền tiết kiệm.
Tú Anh (SSDH) – Theo Vnexpress.