Sẵn sàng du học – Các đất nước dưới đây sẽ là “thiên đường” cho du học sinh có nhu cầu làm thêm để phần nào trang trải những khoản học phí lớn, mức sống cao.
Làm thêm được coi như biện pháp hữu hiệu để du học sinh tích lũy kinh nghiệm cũng như trang trải tiền học, sinh hoạt phí ở nơi đất khách quê người. Tuy vậy, mỗi quốc gia lại có những luật lệ khác nhau liên quan đến vấn đề làm việc khi đang đi học, đặt ra yêu cầu sinh viên phải tìm hiểu kỹ về nơi mình sắp đến nếu muốn đi làm. Dưới đây là tổng hợp những đất nước tạo điều kiện làm việc nhất cho các bạn trẻ vẫn còn đang “mài đũng quần dưới ghế nhà trường”.
IRELAND
Khác với sinh viên đến từ khối EU có lợi thế tìm việc thoải mái tại Ireland, nếu sở hữu quốc tịch ngoài khu vực, sẽ có vài quy định chặt chẽ hơn cho các bạn. Khi có chương trình học dài ít nhất 1 năm, du học sinh có quyền làm thêm 20 tiếng mỗi tuần và không giới hạn thời gian trong kỳ nghỉ. Sau tốt nghiệp, bạn sẽ không được tiếp tục làm việc trừ phi xin gia hạn.
Hiện tại, sinh viên có thể kéo dài thời gian cư trú ở Ireland theo chương trình Ba bậc sau tốt nghiệp (Third Level Graduate Scheme). Nếu có bằng Cử nhân phổ thông (General Bachelor degree) tương ứng với bậc 7, bạn có 6 tháng tìm việc ở nước này. Nếu đạt bậc từ 8 đến 10 (tương ứng với bằng Higher diploma, Postgraduate diploma và Master degree), thời gian thường trú lên tới 1 năm.
CANADA
Du học sinh trên lãnh thổ Canada được phép làm thêm trong trường cũng như tại thị trường lao động bên ngoài nếu đáp ứng đủ điều kiện của chính phủ nước này và theo học toàn thời gian ở các trường thuộc khối:
-
Cơ sở giáo dục đại học công lập
-
Cơ sở giáo dục đại học tư thục có 50% vốn chính phủ
-
Cơ sở giáo dục đại học tư thục được ủy quyền cấp bằng
Khi nhận các công việc trong trường như trợ giảng, thủ thư, nhân viên canteen,… sinh viên có lợi thế là không bị giới hạn thời gian làm việc. Ngược lại, nếu lao động bên ngoài, các bạn chỉ được phép làm 20 tiếng/tuần, tuy nhiên thời gian có thể tăng vào thời điểm trường bước vào kỳ nghỉ.
PHÁP
Ngôn ngữ hẳn là yếu tố duy nhất cản trở các bạn trẻ tới Pháp học tập bởi quốc gia này tạo rất nhiều điều kiện để du học sinh làm thêm, miễn là bạn có theo học các trường cho phép tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội của sinh viên. Theo luật, sinh viên tại Pháp không cần xin giấy phép lao động tạm thời (Temporary Work Permit) và được quyền làm việc tới 964 giờ/năm.
Có khá nhiều lựa chọn cho du học sinh nhưng những công việc “ngon ăn” nhất thường là ở trong trường như đón tiếp tân sinh viên, hỗ trợ học viên khuyết tật, hỗ trợ tin học,… Hạn chế là hợp đồng lao động cần được ký tối đa 12 tháng, từ 1/9 năm trước kéo dài tới 31/8 năm sau. Thời gian làm việc không quá 670 giờ trong vòng 10 tháng (1/9 đến 31/6) và 300 giờ giữa 3 tháng (từ 1/6 tới 31/8).
ÚC
Một khi có visa sinh viên, bạn sẽ nhận được giấy phép lao động (permission to work) và được quyền làm thêm. Thời gian làm việc là 20h/tuần và không giới hạn khi trường bước vào kỳ nghỉ. Tuy nhiên, luật này không áp dụng cho những ai học thạc sĩ hoặc tiến sĩ theo chương trình sau Đại học.
Ngoài ra, bạn sẽ không bị giới hạn thời gian nếu hoạt động tình nguyện, phục vụ cộng đồng.
NEW ZEALAND
Chính phủ New Zealand tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế làm thêm 20h/tuần và không giới hạn thời gian trong kỳ nghỉ nếu đáp ứng những điều kiện sau:
-
Chương trình hướng đến nhận bằng cấp của New Zealand, giúp tích điểm cho khóa nhập cư theo diện tay nghề cao (Skilled Migrant Category)
-
Khóa học kéo dài 2 năm và được giảng dạy bằng tiếng Anh
Tuy nhiên, luật giới hạn làm việc 20h/tuần không áp dụng với những sinh viên có chương trình học đòi hỏi tích lũy giờ lao động phục vụ kinh nghiệm làm việc.
Cá Domino (SSDH) – Theo eduvietglobal