Pan’s Labyrinth – Mê cung của Pan: bộ phim cổ tích không dành cho trẻ em!

0

Sẵn sàng du học – Bộ phim được trình chiếu tại liên hoan phim Cannes và đã nhận được tràng pháo tay dài 15 phút.

ssdhpanslabyrinth

Tôi tìm đến Pan’s Labyrinth trong một lần vô tình đọc được fact trên mạng nói rằng nó đã nhận được 1 tràng pháo tay dài 15 phút tại liên hoan phim Cannes. Điều đó khiến tôi tò mò vô cùng và quyết định xem mặc cho nó là thể loại phim tôi không mấy mặn mà.

Pan’s Labyrinth là một bộ phim kinh dị được xây dựng từ câu chuyện cổ phủ đầy màu sắc đen tối. Nó còn được mệnh danh là bộ phim cổ tích dành cho người lớn bởi những cảm xúc nghẹt thở mà khán giả cảm nhận được khi xem phim.

Lấy bối cảnh tại Tây Ban Nha vào năm 1944, 5 năm sau cuộc nội chiến dai dẳng và phe độc tài vẫn nắm giữ quyền lực, luôn tìm cách để dập tắt những cuộc kháng chiến của lính du kích nấp sâu trong rừng. Nhân vật chính của bộ phim là cô bé 10 tuổi tên Ofelia, trong lần cùng mẹ chuyển đến ở nhà cha dượng là đại úy Vidal – tên chỉ huy của chế độ độc tài tàn ác. Một ngày nọ, Ofelia được một con bọ kỳ lạ dắt vào khu rừng gần nhà, từ đó Ofelia sống trong cuộc sống song song: hiện thực đau khổ – thế giới thần tiên kì bí của riêng mình. Trong hiện thực đầy đau khổ, cô bé đã gặp được những người tốt bụng như cô hầu gái Mercedes, bác sĩ Ferreiro. Còn tại thế giới thần tiên, Ofelia đã gặp Pan (Thần Nông) – sinh vật nửa người nửa dê trong truyền thuyết. Pan dắt Ofelia vào mê cung và kể cho cô câu chuyện về nàng công chúa bị thất lạc khỏi vua cha của mình. Nàng công chúa phải thực hiện 3 nhiệm vụ để có thể trở về sống hạnh phúc vĩnh viễn tại vương quốc. Cứ thế, cuộc hành trình của cô bé 10 tuổi trong mê cung kì diệu bắt đầu. Trong không gian rừng rú tăm tối, tràn đầy bạo lực và giết chóc, Ofelia như một điểm sáng trong veo, vô tư tin tưởng vào những câu chuyện thần tiên đọc mỗi ngày.

Cô bé 10 tuổi Ofelia - nhân vật chính của bộ phim

Cô bé 10 tuổi Ofelia – nhân vật chính của bộ phim

Pan’s Labyrinth cũng chính là phép ẩn dụ về cuộc đời. Đạo diễn Guillermo del Toro đã dùng thần thoại để khắc sâu cái trần trụi của hiện thực. Con cóc nằm trong bụng cây khô cằn, sống bám vào đó như chế độ đã đến lúc lụi tàn nhưng vẫn cố gắng hút cạn sinh khí của những người xung quanh. Bộ phim đã lồng ghép tâm hồn ngây thơ không vướng chút bụi trần nào của một sinh linh bé nhỏ vô tội vào không gian tăm tối vốn chỉ dành cho quỷ dữ một cách cực đỉnh. Hình ảnh đắt giá nhất nằm ở đoạn cuối khi mọi điều, mọi hi vọng của Ofelia hoàn toàn sụp đổ: mẹ vì sinh em mà mất, cô hầu gái Mercedes bị bắt, vị bác sĩ Ferreiro bị bắn chết. Lúc này, cơ hội duy nhất giúp Ofelia có thể vượt qua hiện thực đầy đau khổ kia là hoàn thành nốt nhiệm vụ thứ 3 do Pan giao để có thể trở về với vương quốc lòng đất, gặp lại vua cha và sống bất tử. Nhưng giây phút chuẩn bị giao phó đứa em cùng mẹ khác cha của mình cho lão Pan, cô bé biết rằng lão phải giết em mình để dùng máu của một sinh linh vô tội mới có thể mở ra cánh cửa đi về nơi vương quốc lòng đất ấy thì cô bé đã kiên quyết từ chối, dẫu cho con đường đi đến trốn hạnh phúc đã gần lắm rồi. Người tin vào cổ tích nhất lại chính là người từ chối niềm tin ấy chỉ để bởi lời hứa: “Chị em ta sẽ mãi bên nhau”. Người xem còn chưa kịp mỉm cười bởi hành động đẹp đẽ, cao cả ấy thì hiện thực đã ùa đến cùng tên đại úy Vidal, hắn giành lại đứa con của mình trên tay Ofelia và bắn cô bé…

Nhân vật phản diện - đại úy Vidal

Nhân vật phản diện – đại úy Vidal

Nhân vật phản diện cũng được xây dựng một cách đầy tuyệt vời. Cho những ai chưa biết chế độ phát xít độc ác như thế nào, hãy tìm đến Pan’s Labyrinth ngay đi để được chiêm ngưỡng. Đại úy Vidal không chỉ đơn giản là tên chỉ huy của chế độ phát xít, hắn cũng đại diện cho hiện thực trần trụi, đầy hoài nghi ở con người. Gã ta ám ảnh với sự liên kết giống nòi giữa cha và con trai. Cha của hắn đã hi sinh trên chiến trường, trước lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn cố gắng đập nát chiếc đồng hồ quả quýt để con trai mình có thể ghi nhớ được chính xác thời điểm mình đã hi sinh. Vì vậy, Vidal luôn ám ảnh về thời gian, luôn mang chiếc đồng hồ cũ vỡ bên mình như một cách nhắc nhở rằng mình phải có một đứa con trai để tiếp nối “truyền thống” gia đình đầy quái gở kia. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ nghe thật cô đơn nhưng vẫn mang cảm giác đáng sợ. Sự độc ác của Vidal ngay từ đầu đã được thể hiện rõ ràng qua chi tiết hắn bắt được 2 cha con dân thường vô tội, mặc cho những điều họ giải thích để có thể cố gắng giữ lại mạng sống nhưng vẫn quyết định giết họ, rồi khi sự thật được phơi ra trước mắt nhưng nét mặt của hắn vẫn lạnh tanh. Hay sự độc ác đó chỉ cần thể hiện đơn giản qua việc hắn sẵn sàng bắn chết đứa trẻ 10 tuổi đầy vô tội kia.

Bác sĩ Ferreiro là nhân vật thiện đối lập trực diện với cái ác, là biểu tượng của sự nhân ái bất chấp sự chia rẽ chính trị, lý tưởng giữa hai phe. Ban đầu, mình đã lầm rằng ông là nhân vật gián điệp cho lính du kích ẩn sâu trong rừng. Để rồi khi tận hưởng gần hết bộ phim, mình mới nhận ra rằng: Với ông, thứ quý giá nhất trên đời chính là tính mạng của mỗi con người. Ngay cả khi gục xuống, sự hiền lành, khẳng khái của ông vẫn chẳng thể mất đi.

Bác sĩ Ferreiro

Bác sĩ Ferreiro

Đứa trẻ mới sinh tuy chẳng có câu thoại nào đáng nhớ cả, nhưng chẳng vì điều đó mà khiến người xem dễ dàng quên đi. Cậu bé là con của một tên phát xít tàn bạo nhưng lại được ấp ủ bằng tình yêu thương của mẹ và chị. Lẽ ra, em sẽ phải tiếp nối cái “truyền thống” gia đình đầy quái gở kia, hoặc phải chết để ngăn chặn dòng máu phát xít độc ác nhưng rồi em vẫn tiếp tục được sống bởi quyết định xuất phát từ lòng yêu thương.

Những phân cảnh bạo lực được đạo diễn xây dựng rất thật, không một chút né tránh. Điều đó góp phần thể hiện rõ ràng hơn sự tàn bạo của chế độ độc tài phát xít. Những nhân vật cổ tích lại chẳng đẹp như mơ mà ngược lại còn gây sợ hãi với người xem. Đây chính là cách đạo diễn thể hiện sự kinh dị trong nền của chất cổ tích.

Cho dù thế giới có điên đảo như thế nào thì tình người vẫn sẽ tỏa sáng. Phép màu sẽ xuất hiện khi ta biết sống hi sinh vì nhau. Giống như vị Thần Nông đã mỉm cười chọn Ofelia vì em đã thực sự vượt qua thử thách dành cho mình!

Cá Domino (SSDH)

Share.

Leave A Reply