Người trí thức luôn khao khát cống hiến cho đất nước

0

SSDH – GS Nguyễn Ngọc Thành – người Việt đầu tiên ở Ba Lan được phong hàm GS và cũng là người đầu tiên được Việt Nam đặc cách phong GS năm 2011.

 

Là niềm tự hào của cộng đồng người Việt ở Ba Lan, GS Nguyễn Ngọc Thành – người Việt đầu tiên ở Ba Lan được phong hàm giáo sư cấp Nhà nước của Ba Lan năm 2009 khi tuổi đời còn khá trẻ, và cũng là người đầu tiên được phía Việt Nam đặc cách phong giáo sư năm 2011.

 

“Lưỡng quốc giáo sư”

 

Một trong số những kết quả nghiên cứu nổi bật của GS Thành được trích dẫn nhiều trong các tạp chí khoa học, được đánh giá cao là tính toán về sự thông minh của đám đông (thông minh nhóm). Kết quả chứng minh được sự thông minh của một nhóm cao hơn sự thông minh của từng cá thể biệt lập và chuỗi hội nghị trí tuệ tập thể tính toán do ông sáng lập cũng là về trí tuệ thông minh nhóm. Từ năm 2009 đến nay, hoạt động khoa học của ông vẫn tập trung nghiên cứu về ngành trí tuệ, trí tuệ nhóm. “Nhóm nghiên cứu của tôi tập trung sâu hơn vào sự tích hợp ontology – một cấu trúc của tri thức rất thịnh hành bây giờ. Thứ hai là làm về những hệ đa tác nhân – những chương trình máy tính có tính độc lập cao và hợp tác với nhau”.

 

Hiện nay GS Thành là Trưởng Phòng Các hệ thống xử lý trí thức thuộc Viện Tin học của ĐH Công nghệ Wroclaw (Ba Lan). Ngoài ra ông cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội KES International có trụ sở tại Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội ISAI có trụ sở tại Mỹ. Ông cũng là Tổng biên tập hai tạp chí khoa học quốc tế của NXB Inderscience (Thụy Sĩ) và NXB Springer (Đức), và là thành viên Ban Biên tập của rất nhiều tạp chí quốc tế khác về tin học. Là một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới về ngành trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) nói chung và ngành trí tuệ nhóm (Collective Intellgence) nói riêng, GS Thành có trên 250 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí nổi tiếng trên thế giới, xuất bản 15 cuốn sách và hai bằng phát minh. Ở Việt Nam, ông là GS của Trường ĐH Công nghệ thông tin thuộc ĐH Quốc gia thành phố HCM. 

 3.jpg

GS Nguyễn Ngọc Thành

 

Hành trình tưởng rất vinh quang ấy của nhà khoa học, phải thấy có bóng người vợ đảm tin tưởng tuyệt đối vào con đường thực sự chông gai, không mật, không hoa của chồng. Những năm 90 của thế kỷ 20 là những năm rất khó khăn với các trí thức người Việt ở Đông Âu, khi chế độ xã hội thay đổi. Lương của người làm khoa học, giảng viên ĐH không đủ sống. Việc làm kinh tế lại là một bài toán tương đối dễ dàng. Có rất nhiều trí thức người Việt đã bỏ ngang công việc nghiên cứu để làm kinh tế và rất thành đạt. Trong khi đó, vợ GS Thành khi ấy mới sang Ba Lan, lại cũng vừa sinh con đầu lòng. “Cuộc sống khó khăn cộng với việc nhiều người làm kinh tế rất dễ dàng rất cám dỗ tôi. Và tôi cũng đã có ý định bỏ con đường khoa học để đi theo con đường của những người bạn tôi. Nhưng khi vợ tôi nói: Việc nghiên cứu khoa học là việc anh có thể làm được tốt nhất, thì tôi biết tôi vẫn yêu khoa học, vẫn muốn làm khoa học, nên tôi đã tiếp tục con đường của mình. Đến giờ điều đó với tôi là một sự may mắn. Bởi vì nhiều người cũng đã rẽ ngang nhưng không có ai ngăn cản họ. Có những người bạn tôi thành đạt trong kinh doanh và hài lòng với cuộc sống. Còn tôi cũng tự thấy may mắn chọn được con đường mình yêu thích.”- GS Thành tâm sự.

 

Bà Vũ Thị Ngọc – vợ GS Thành, trước đó học ngành tâm lý ở Hungary. Cũng như nhiều người khác, bà tham gia vào guồng quay làm kinh tế mới nuôi nổi gia đình. Nhưng vừa làm, vừa nuôi con nhỏ, bà đã có những năm cố gắng phi thường để học tiếng Ba Lan và học một ngành hoàn toàn mới với mình là ngành kế toán, rồi sau đó học ngành tài chính. Khi bà Ngọc có chứng chỉ hành nghề và kể từ sau năm 2000 các chế độ với giảng viên ĐH đã tốt hơn, thì gia đình GS Thành mới có một cuộc sống tương đối ổn định. Bà Ngọc bây giờ là kế toán trưởng một công ty làm dịch vụ kế toán của Ba Lan, vẫn chưa bao giờ ngừng việc cổ vũ hoạt động khoa học của chồng, kể cả việc ông “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” cho khoa học.

 

Kết nối cộng đồng khoa học Việt trong nước và nước ngoài

 

Tháng 11/2012, lần đầu tiên tại Việt Nam có một hội nghị quốc tế lớn nhất trong ngành trí tuệ nhóm thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, thu hút 152 nhà nghiên cứu từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trước đó có hội nghị khoa học quốc tế về trí tuệ tập thể tính toán lần thứ nhất và thứ ba được tổ chức ở Ba Lan, lần thứ hai ở Cao Hùng (Đài Loan). Người sáng lập chuỗi hội nghị này từ năm 2009 đều là GS Thành. Ông giải thích: Muốn tổ chức hội nghị ở Việt Nam là để “khích lệ ngành khoa học máy tính ở quê nhà” vì hội nghị đã có một vị trí khoa học nhất định, ở top 30 của các hội nghị quốc tế trong ngành này. Với việc diễn ra tại Việt Nam, hội nghị này đã tạo điều kiện cho các nhà khoa học Việt trong ngành (đa số còn trẻ) có cơ hội tiếp xúc với các nhà khoa học nước ngoài, từ đó tạo điều kiện hợp tác nghiên cứu. Đồng thời, hội nghị cũng tạo điều kiện cho các nhà khoa học ngành trí tuệ nhóm Việt Nam có những công trình được đăng báo quốc tế.

 

Mang đến những nghiên cứu mới nhất trong ngành trí tuệ nhóm, hội nghị có sự tham gia của những gương mặt nổi tiếng thế giới. GS Nguyễn Ngọc Thành kể lại: “Những email của nhiều nhà khoa học tham dự hội nghị đều cho thấy họ rất phấn khởi khi hội nghị được tổ chức ở Việt Nam, chứng tỏ Việt Nam là một điểm đến rất hấp dẫn với họ. Và tôi cũng hy vọng họ sẽ không thất vọng”.

 

Hội nghị khoa học lớn này là một trong số rất nhiều hoạt động kết nối khoa học mà GS Nguyễn Ngọc Thành đã thực hiện. Không phải ngẫu nhiên mà CLB Lê Quý Đôn ở Ba Lan ra đời cuối năm 2009, tập hợp những trí thức người Việt tại Ba Lan để đoàn kết cộng đồng, hướng về cội nguồn qua các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan, đặc biệt là thế hệ trẻ trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học. PGS. TS Đào Duy Tiến – Phó Chủ tịch CLB cho biết: “Việc hình thành CLB có công lao rất lớn từ uy tín, sự kết nối và tâm huyết của GS Nguyễn Ngọc Thành, khi nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của anh em trí thức ở Ba Lan”.

 

GS Nguyễn Ngọc Thành kể lại: “Từ lâu, tôi đã luôn ấp ủ ước mơ làm được cái gì cho đất nước, nhất là trong lĩnh vực khoa học. Và tôi biết bạn bè tôi cũng rất nhiều người có ước mơ đó. Người trí thức luôn khao khát được cống hiến cho đất nước. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là phải cùng tập hợp nhau, liên kết sâu sắc, thì mới có thể hỗ trợ nhau, tăng thêm sức mạnh”.

 

Sắp tới, ông cùng GS Lê Thị Hoài An ở Pháp (và chồng bà là GS Phạm Đình Tảo) sáng lập một Hội nghị quốc tế về khoa học máy tính và toán học ứng dụng tại Ba Lan. Các nhà sáng lập dự định mời các nhà khoa học người Việt, đặc biệt là đông đảo các nhà khoa học Việt Nam đang làm về toán ứng dụng và khoa học máy tính ở các viện nghiên cứu và các trường đại học tại Châu Âu, giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu. “Tôi nghĩ ở Châu Âu số người Việt làm về khoa học may tính và toán học ứng dụng không phải ít, khoảng trên 100 đến 200 người… Chúng tôi rất muốn tập hợp được sức mạnh trong cộng đồng các nhà nghiên cứu khoa học Việt kiều, để rồi từ đó, có thể có những sự liên kết, hỗ trợ mạnh mẽ hơn với Việt Nam.” – GS Nguyễn Ngọc Thành cho biết.

 

Đông Đức – Theo VOV

Share.

Leave A Reply