SSDH – Nhân dịp kỷ niệm bộ phim kinh điển Titanic bước sang tuổi thứ 20, đạo diễn James Cameron cùng đồng sự đã quyết định chia sẻ những câu chuyện thú vị chưa từng được tiết lộ trên phim trường năm ấy.
Ngày nay, Titanic luôn được nhắc đến như là một trong những bộ phim thành công nhất lịch sử điện ảnh thế giới. Đứng thứ 2 trong danh sách Những phim có doanh thu lớn nhất mọi thời đại với 2,19 tỷ USD. Và là một trong những bộ phim hiếm hoi nắm giữ kỷ lục Oscar danh giá: 14 đề cử với 11 tượng vàng chiến thắng.
Thành công của Titanic và quá trình gian khổ của những người làm ra nó, là minh chứng rõ nhất cho câu nói của La Fontaine: “Con đường trải đầy lụa không bao giờ dẫn tới vinh quang”.
Câu chuyện hậu trường về Titanic lần đầu tiên được James Cameron cùng Sherry Lansing – cựu giám đốc điều hành Paramount và là người góp công không nhỏ vào quá trình sản xuất – kể lại sẽ khiến bạn “rùng mình” trước những áp lực trong quá trình hình thành bộ phim bom tấn vĩ đại này.
“Quả bóng” Titanic trong trò chơi của ba hãng phim lớn
Năm 1996, hãng Fox ký hợp đồng độc quyền sản xuất bộ phim Titanic với đạo diễn James Cameron với tự tin cho rằng, đây sẽ là một thành công lớn. Giám đốc hãng Fox lúc đó là Bill Mechanic muốn Fox nắm độc quyền Titanic chứ không muốn chia sẻ cho ai khác. Thế nhưng, chi phí phát sinh sau đó khiến Fox lo ngại và buộc lòng phải bán bớt bản quyền để chia sẻ gánh nặng tài chính. Và đối tượng được nhắm đến chính là Universal.
Ngược lại, nỗi ám ảnh từ thất bại thảm hại của quả bom tạ Waterworld năm 1995 do cả hai hãng hợp tác sản xuất trước đó khiến Universal chần chừ. Họ không muốn bỏ tiền để làm ra thêm một bộ phim về đại dương quá tốn kém và có khả năng sẽ bị thua lỗ nặng nề.
Lúc này, vị giám đốc điều hành mới của Paramount Pictures là Sherry Lansing xuất hiện. Ngay từ khi đọc kịch bản, Sherry đã biết Titanic là một “mỏ vàng”. Bà tin rằng, câu chuyện tình Romeo và Juliet giữa đại dương bao la sẽ khiến tất cả khán giả xúc động.
Vượt qua những hiềm khích xưa cũ (trước đó, Fox từng rất “giận” Paramount vì đã không thu xếp được giấy tờ pháp lý để Fox có thể cùng chia sẻ Oscar Best Picture dành cho Braveheart), Sherry Lansing đã kiên trì thuyết phục để giành quyền đồng sản xuất bộ phim này. Cuối cùng, một hợp đồng trị giá 109 triệu USD được ký kết chỉ sau 5 ngày. Giám đốc điều hành của Fox và Paramount đồng ý chia đôi số tiền sẽ đầu tư cho phim.
Nhưng không ai trong cả hai hãng nghĩ rằng, Titanic lại là một bộ phim “ngốn” tiền đến thế.
Ngân sách khổng lồ khiến tất cả “khóc thét”
Theo thời giá vào giữa những năm 1990, 100 triệu USD là số tiền quá lớn để đầu tư cho một bộ phim. Nhưng rồi kinh phí cứ tăng theo thời gian và quá trình sản xuất, từ 130 triệu rồi đến hơn 200 triệu USD. Một áp lực khủng khiếp dành cho nhà xản xuất lẫn đạo diễn phim. Và nếu như thất bại ở phòng vé, thì tất cả sẽ là một cơn ác mộng kinh hoàng.
Vị đạo diễn huyền thoại bồi hồi nhớ lại không khí trước ngày Titanic ra mắt, hãng phim hoàn toàn mất niềm tin vào tương lai của dự án điện ảnh này.
“Các lãnh đạo kinh doanh của Paramount hành động như thể họ vừa nhận được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối – rất nhiều khuôn mặt hời hợt và hành động thờ ơ khi nhắc đến việc phát hành phim” – ông giải thích – “Mọi người đều nghĩ rằng họ sắp mất tiền, và mọi nỗ lực chỉ đơn giản là để đảm bảo rằng sự thất bại lần này không khiến tổng thể bộ máy bị tê liệt”.
Việc “đội” kinh phí xuất phát từ chính tính cách cầu toàn của James. Fred Gallo, giám đốc kỹ thuật đã từng nổi đóa lên trước yêu cầu của đạo diễn: “Cameron muốn cảnh thật và những thứ tương tự như thế. Tại sao anh ấy lại không dựng phim trường rồi chỉ cần vẽ lại mọi thứ thôi là xong chứ? Chẳng ai biết anh ta muốn làm gì” – Fred tiếp tục – “Anh ấy muốn có một chiếc tàu ngầm đặc biệt. Chỉ có duy nhất 1 cái như thế trên thế giới và nó là của người Nga. Thế nhưng, anh ấy vẫn muốn có cho bằng được. Họ mang nó tới và vào ngày đầu tiên, nó gặp trục trặc kỹ thuật và không thể ghi hình”.
Điều làm Paramount bực tức hơn cả chính là việc hãng Fox đã không hề cho họ biết về sự “điên rồ” đầy tốn kém của James Cameron ngay từ những ngày đầu tiên. Titanic được ghi hình trong không khí căng thẳng của hai hãng phim.
Quá trình sản xuất khắc nghiệt
Đơn cử, có khoảng 10.000 tấn thuốc nổ được sử dụng để tạo ra một bể nước khổng lồ phục vụ cho việc ghi hình. Và 1.500 công nhân được huy động để xây dựng con tàu Titanic có kích thước gần bằng con tàu thật.
Trong cuốn tự truyện mới xuất bản Leading Lady: Sherry Lansing and the Making of a Hollywood Groundbreaker, Sherry Lansing chia sẻ hồi ức khi bà đi thăm phim trường Titanic tại Mexico: “Khi tôi đi dọc theo con tàu, cảm giác như được quay trở về quá khứ vậy. Họ đã tái tạo lại mọi thứ, kỹ lưỡng tới từng chi tiết, sống động tới từng chiếc đĩa nhỏ trên bàn. Và tâm trí tôi hoàn toàn bị choáng ngợp”.
Nhưng càng ấn tượng bao nhiêu, thì áp lực đặt ra càng lớn. Việc xây dựng cả một con tàu thật cũng khiến cho quá trình sản xuất bị trì trệ. Thời gian càng kéo dài, thì chi phí lại càng cao. Chưa kể, việc đạo diễn hình ảnh bị thay thế, vài thành viên đoàn làm phim bị cảm. Đặc biệt là tính khí nóng nảy của James Cameron khiến cho mọi chuyện cảng trở nên tồi tệ.
Kate Winslet từng có thời điểm thừa nhận cô “rất sợ hãi khi đứng trước James”. Còn những người khác gọi ông là đồ bạo chúa.
“Có một buổi họp mặt lúc nửa đêm, vào khoảng thời gian giữa 150 ngày ghi hình, chúng tôi chẳng ai thèm nhìn vào mặt người khác nữa”. Nhà sản xuất Jon Landau nhớ lại.
Lùi ngày phát hành “trễ” tới nửa năm
Sau khi ghi hình, rắc rối của Titanic còn trải dài từ việc thực hiện trailer, thiết kế poster và khiến cho lịch ra mắt ban đầu của phim là 4/7/1997 trở thành một sự “lỗi hẹn”. Nhà sản xuất muốn phim ra mắt dịp hè để thu hút tối đa khán giả, và vì đây là thời điểm đẹp nhất trong năm của mùa phim bom tấn. Việc đẩy lùi lịch ra mắt thậm chí khiến cho hai lãnh đạo của Fox và Paramount là Bill Mechanic với Robbie Friedman suýt chút nữa lao vào đánh nhau tại mở màn của LHP Cannes. Cuối cùng cả hai thống nhất lịch phát hành vào dịp Giáng sinh năm 1997.
Lý do cho việc chậm trễ này là bởi quá trình hậu kỳ, hoàn chỉnh bộ phim với chất lượng hình ảnh tốt nhất kéo dài hơi dự tính. Phim quá dài còn hiệu ứng hình ảnh thì cực kỳ phức tạp. Đó là chưa kể tới các yếu tố biên tập, hậu kỳ và âm nhạc. Đạo diễn James Cameron đã mô tả việc “cắt ngắn” Titanic vài giây mỗi ngày cũng giống như việc “gọt dũa” một viên kim cương vậy. Kết quả, Titanic có thời lượng tổng cộng là 3 tiếng 14 phút khi ra mắt khán giả toàn cầu vào ngày 18/12/1997.
Khốn khổ với truyền thông
Cơn bão tố cuối cùng đánh vào Titanic phiên bản phim chính là… báo chí. Nhà làm phim đã gửi một bản phim dài 4 phút cho ShoWest để thăm dò dư luận. Thế nhưng, đáp lại chỉ là hàng loạt câu chuyện tiêu cực về kinh phí cũng như lịch phát hành bị trễ hẹn. Những rắc rối trong quá trình sản xuất tiếp tục đeo bám đoàn phim.
“Chúng tôi giống như những kẻ dại khờ nhất lịch sử Hollywood còn báo chí thì thủ sẵn một con dao dài, sắt bén sẵn sàng chờ ngày phim ra mắt”.
Đáp lại, James quyết định dời ngày phát hành trễ hơn để “thoát khỏi sự cằn nhằn, chế giễu và để báo chí tự chuốc lấy thất bại”.
Không ai nghĩ rằng, khi thực hiện Titanic, nó sẽ trở thành bộ phim trị giá hơn 2 tỷ USD. Nhưng bằng sự kiên định và quyết tâm, James Cameron cùng các đồng sự đã không bỏ cuộc nửa chừng dù hàng vạn áp lực đè nặng trên vai. Và Titanic trên màn ảnh, được tôi luyện bằng sự gan lì của những người tạo ra nó, đã kiên cường đứng vững trước những “tảng băng” chực chờ đâm vào mình. Để cuối cùng, cập bến vinh quang đầy huy hoàng.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14.vn