Du học sinh Việt và kỳ thi đang đến gần

0

SSDH – Thời điểm tháng 5 và tháng 6 là thời gian các sinh viên tại nhiều nước trên thế giới gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi, kết thúc năm học. Chúng ta hãy cùng xem, các du học sinh Việt ôn thi và chuẩn bị cho kỳ thi như thế nào?

 

Du học sinh tại Pháp

 

Một năm học ở Pháp thường bắt đầu vào tháng 9 và kết thúc vào tháng 6. Thanh Huyền (du học sinh Toulouse, Pháp) đang theo học chương trình IUT ( một chương trình học mang tính hướng nghiệp cao tại Pháp, kéo dài trong 2 năm, sau đó có thể đi làm ngay) chia sẻ về kỳ thi của mình: “Chương trình học của bọn mình thi rất nhiều, thường là có điểm quá trình học (controle continue). Ví dụ như mình, tuần nào cũng thi 1 hoặc 2 môn.

 

Những điểm này sẽ chiếm 25-50% điểm tổng kết. Vì vậy nên cả năm học lúc nào mình cũng phải trong tư thế sẵn sàng “chiến đấu”. Nhưng cũng nhờ thế mà mình được ôn luyện liên tục và giảm áp lực rất nhiều khi đến thi thi cuối kỳ. Bọn mình sẽ có ít môn hơn, nếu làm bài tốt trong các bài kiểm tra quá trình thì áp lực điểm số cũng nhẹ nhàng hơn. Chúng mình chủ yếu là thi tự luận”. 

 

du-hoc-sinh-viet-va-ky-thi-dang-den-gan

Doãn Bảo (du học sinh Đức ) “học không nhiều nhưng thay vào đó sẽ tập trung vào những cái cần thiết nhất”

 

Ở chương trình học đại học (licence) , hình thức thi của bạn Hoàng Thủy (du học sinh Paris, Pháp) cũng là thi tự luận. Tại trường của cô bạn, vào mỗi kỳ thi, cả khối được chia vào các giảng đường, phân chia tên theo bảng chữ cái, các sinh viên phải ngồi cách xa nhau để làm bài. Trong học kỳ, các bạn cũng có điểm quá trình và điểm cuối kỳ. Hai điểm này sẽ chiếm 50-50 điểm tổng kết.

 

Các kỳ thi tại Pháp thường diễn ra rất nghiêm túc, việc quay cóp, chuẩn bị phao,… là không thể và là việc tối kị đối với sinh viên, nhất là sinh viên nước ngoài. Hoài Trang (du học sinh Bordeaux, Pháp) nói:“Mình thà không làm được bài còn hơn là quay cóp. Giả dụ qua được giáo viên, làm được bài, thì cũng mất mặt với bạn bè bản xứ. Và nếu họ biết mình là người Việt Nam, thì ấn tượng của họ về đất nước mình sẽ xấu đi ngay lập tức”.

 

Các kỳ thi tại Pháp thường diễn ra ngay sau kỳ nghỉ, các bạn sinh viên sẽ có 1 đến 2 tuần để ôn thi. “Mình thường phải ôn và học lại kiến thức từ đầu đến cuối, và chia thành 2 phần: lý thuyết và bài tập. Phần bài tập mình tự làm đi làm lại nhiều lần cho hiểu và nhớ, còn đối với lý thuyết, mình cũng phải học thuộc rất nhiều. Hoàng Thủy nói về cách học thi của mình.

 

Còn như Thanh Huyền, các môn lý thuyết được cô bạn ôn thi bằng cách học các ý chính, và tự viết lại theo cách hiểu của mình, còn đối với phần bài tập, cô bạn chọn cách học thuộc công thức.

 

Du học sinh tại Đức

 

Doãn Bảo, chàng sinh viên đang theo học Master Finance, tại trường đại học University of Applied Science, chia sẻ về kỳ thi của mình: “Hình thức thi cử ở nước mình đang du học rất phong phú. Hình thức phổ biến nhất là cứ sau mỗi kì học bọn mình phải trải qua một đợt kiểm tra. Tuỳ vào mức độ khó của môn học, thời gian thi sẽ dao động từ 60 phút đến 120 phút. Ngoài hình thức thi ra, trong kì học còn có những buổi thuyết trình hoặc những buổi làm bài theo nhóm. Điểm nhận xét mà bọn mình nhận được sẽ thay cho điểm thi cuối kỳ học.

 

Với nhiều hình thức đa dạng như vậy, bọn mình sẽ không bị áp lực về thời gian mỗi khi kì thi đến. Và quan trọng hơn nữa là ngoài những kiến thức mà mình thu thập được ở trên giảng đường, bọn mình sẽ còn học được những kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống sau này.

 

Ở Đức, điểm thi của từng môn rất quan trọng, không chỉ đối với điểm cả kỳ mà cả đối với điểm trung bình của quá trình học đại học. Điểm thi của từng môn sẽ được cộng với điểm bảo vệ của luận án và chia ra theo một tỉ lệ cho trước. Thường thì tỉ lệ giữa điểm của bài luận văn và điểm trung bình của các môn là 1: 4.

 

Bật mí về cách học của mình, Doãn Bảo cho biết cậu học không nhiều nhưng thay vào đó sẽ tập trung vào những cái cần thiết nhất. Cậu bạn có một châm ngôn sống rất tâm đắc: bạn không cần phải quá giỏi, chỉ cần tính trước được bước đi của đối thủ.

 

“Mình áp dụng điều đó vào mọi tình huống trong xã hội, ngay cả việc học. Thường thì cứ trước khi thi 1 đến 2 tuần mình mới bắt đầu học. Và cũng không biết là do may mắn hay do một yếu tố nào đó mà từ trước tới nay mình luôn vượt qua được các kỳ thi với điểm số rất cao. (cười)

 

Du học sinh tại Nga

 

Kỳ thi của sinh viên Nga thường diễn ra vào cuối tháng 5, đầu tháng 6, và được chia thành 2 dạng: các môn zachot (các môn thi điều kiện), và các môn examen ( các môn thi tính điểm). Ngoài ra các bạn còn có rất nhiều các bài tập lớn (курсовая работа), thuyết trình (реферат), báo cáo (доклад) cần phải thực hiện trong học kỳ.

 

Trong học kỳ, những sinh viên có kết quả học tập tốt, chăm chỉ, làm bài tập và bài kiểm tra được giáo viên đánh giá cao, sẽ được avtomat (sinh viên sẽ được nhận điểm mà không cần phải qua kì thi). Và mỗi lớp, chỉ có từ 4-5 sinh viên được avtomat mỗi học kỳ.

 

Hình thức thi chủ yếu tại các trường đại học tại Nga là vấn đáp. Chính vì vậy, mà các sinh viên, ngoài việc nắm chắc kiến thức, còn phải chuẩn bị tâm lí vững vàng trong kỳ thi. Điều đó khiến các du học sinh Việt tại Nga luôn cần phải trau dồi khả năng ngoại ngữ, đặc biệt là khả năng nói của mình.

 

Quốc Khánh, đang theo học ngành chế tạo máy tại LB Nga, cho biết, học kỳ này cậu có tất cả 12 môn học, trong đó có 7 môn zachot, và 5 môn thi, ngoài ra cậu còn phải hoàn thành 2 bài tập lớn. “Điểm số các môn thi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị tấm bằng của mình. Mỗi môn thi của mình có 70-80 câu hỏi cần phải chuẩn bị trước. Với số lượng kiến thức lớn như vậy, cũng như yêu cầu rất cao của các giáo sư dạy mình, nên mình đang rất lo lắng về kỳ thi sắp tới.

 

Mình đã cố gắng rất nhiều trong học kỳ vừa rồi nên đang mong sẽ được avtomat một vài môn. Vì nếu phải ôn thi hết tất cả chắc mình không đủ sức.

 

Mình thường học trong học kỳ, học đến đâu nhớ kiến thức đến đó, các bài tiểu luận, báo cáo, thuyết trình,… mình cũng thực hiện trong quá trình học, chứ không để dồn đến cuối kỳ. Trước khi thi 1-2 tuần, mình chỉ cần ôn lại kiến thức là được”.

 

Ngân Giang

(Từ LB Nga)

Share.

Leave A Reply