Làm thế nào để trả lời những câu hỏi phỏng vấn nhập học thông thường?

0

SSDH – Nếu có một buổi phỏng vấn với đại diện trường, chắc hẳn bạn đang  băn khoăn mình sẽ phải chuẩn bị những gì, sẽ gặp những câu hỏi như thế nào. Bài chia sẻ này sẽ giúp bạn hình dung ra những câu hỏi hay gặp nhất tại buổi phỏng vấn, và một số lời khuyên khi trả lời nữa đấy.

 

Làm thế nào để trả lời những câu hỏi phỏng vấn nhập học thông thường?

 

1. Tại sao bạn muốn theo học tại trường của chúng tôi?

 

Tôi đoan chắc rằng câu hỏi này sẽ xuất hiện trong buổi phỏng vấn của bạn, và có thể biến tấu một chút thành “Điều gì khiến bạn chọn trường này?”. Câu hỏi này nhằm kiểm tra kiến thức của bạn về trường, và cho phép đại diện trường hiểu được động lực khiến bạn nộp đơn xin học. Bạn nên nghĩ về những điều giúp bạn và trường trở thành một “cặp đôi hoàn hảo” – giống như cái “duyên” bạn gặp ở trường đại học vậy.

 

Đừng chỉ nói chung chung rằng trường nằm ở vị trí khá đẹp, hay khóa học này “nghe có vẻ hay ho”. Hãy cố gắng đưa ra những lý do cụ thể, thiết thực, bằng cách đề cập đến định hướng tiếp cận của trường, khoa đối với chuyên ngành bạn chọn, hoặc những thế mạnh nổi bật về cơ sở vật chất của trường dành cho khóa học. Tốt hơn hết bạn không nên nhắc đến những vấn đề tế nhị như cuộc sống về đêm, chi phí, hoặc nói những điều khiến người khác nghĩ rằng bạn đã không suy nghĩ cẩn thận trước khi lựa chọn khóa học.

 

2. Tại sao bạn muốn học chuyên ngành này?

 

Câu hỏi này rất quan trọng, bởi đại diện trường muốn biết liệu bạn có thực sự hứng thú với chuyên ngành bạn chọn, và sẽ theo đuổi nó vì những lý do chính đáng hay không. Hãy tập trung trả lời vào việc bạn say mê tìm hiểu lĩnh vực đó như thế nào, và cho người phỏng vấn thấy rằng chuyên ngành bạn chọn phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp và những ước muốn khác của bản thân như thế nào, nhưng khoan hãy nhắc đến chuyện bạn mong kiếm được bao nhiêu tiền sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh đề cập đến những điều làm người khác hiểu rằng bạn chọn ngành này chỉ vì nghe theo lời khuyên của ai đó, hoặc vì bạn cảm thấy sẽ “nhẹ nhàng”, dễ dàng hơn để xin được thư mời nhập học.

 

3. Hiện tại bạn có đang đọc sách gì không?

 

Câu hỏi này sẽ càng dễ gặp hơn nữa nếu bạn nộp đơn vào các ngành học đòi hỏi phải đọc nhiều (như Văn học Anh chẳng hạn). Câu hỏi này được kì vọng mở đầu cho một cuộc thảo luận nhỏ giữa bạn và đại diện trường. Đối với câu hỏi này, tất nhiên sẽ rất tốt nếu bạn chọn một cuốn sách, tài liệu nào đó có liên quan đến ngành bạn nộp đơn, vậy nên nếu có thể, bạn hãy chuẩn bị trước câu trả lời. Đại diện trường cũng có thể hỏi bạn về cuốn sách mà gần đây bạn thích nhất, hoặc cuốn sách có ý nghĩa đặc biệt với bạn. Những câu hỏi kiểu này không chỉ giúp đại diện trường nhận ra liệu bạn có phải là một người say mê đọc sách hay không, mà còn giúp họ hiểu hơn về tính cách, và hứng thú của bạn đối với chuyên ngành bạn chọn, cũng như đối với những khía cạnh khác. Đây cũng là một cơ hội tốt để bạn thể hiện đam mê của mình, và cho đại diện trường thấy được tiềm năng của bạn với tư cách là một sinh viên ham học hỏi và tự lập.

 

4. Trong mắt bạn bè, bạn là người như thế nào?

 

Một lần nữa, đây là cơ hội để bạn thể hiện tính cách của bản thân, và nó rất đáng để bạn dành thời gian suy nghĩ, chuẩn bị trước buổi phỏng vấn. Mặc dù những tính từ kiểu như “thân thiện, biết quan tâm, biết lắng nghe” khá tích cực, những có lẽ nó không gây ấn tượng mấy trong mắt đại diện trường. Bạn hãy cố gắng nói những điều đáng nhớ và có ý nghĩa hơn, cụ thể hơn, ví dụ như “Tôi rất quyết đoán, tràn đầy hứng khởi”, “Tôi có tư chất của một lãnh đạo”, hay “Tôi là một người cộng sự tốt”, hoặc nói rằng bạn là một người không sợ khó khăn, luôn cố gắng vượt qua thử thách. Hãy thành thật, và tập trung làm nổi bật những thế mạnh của bản thân. Cũng đừng quên minh họa câu trả lời của bạn bằng những ví dụ thực tế nhé.

 

5. Thành tích nào của bạn khiến bạn tự hào nhất?

 

Người phỏng vấn có thể cụ thể câu hỏi để bạn nói về những thành tích học tập của bản thân, và cho dù họ không cụ thể vậy thì đó cũng là một khía cạnh khá hợp lí để bạn bám vào. Bạn có thể nhắc đến một giải thưởng nào đấy bạn đã đạt được trong thời gian học tập, một bài kiểm tra mà bạn đã hoàn thành xuất sắc, hoặc một dự án môn học khiến bạn cực kì tự hào mỗi lần nhắc đến. Bạn nên nhắc đến những thành tích gần đây bạn đạt được, và chúng ảnh hưởng tích cực đến bạn như thế nào.

 

6. Bạn có thể mang đến điều gì cho trường chúng tôi?

 

Câu hỏi này cho phép bạn “quảng cáo” sản phẩm, mà ở đây là chính bản thân bạn. Bạn rất dễ phóng đại câu trả lời của mình, nhưng nhớ đừng đi quá đà. Hãy tăng tính thuyết phục cho câu trả lời của bạn bằng những ví dụ cụ thể. Bạn có thể đề cập đến những hoạt động bạn đã tham gia ở trường phổ thông, cho thấy những đóng góp của bạn với trường, đơn cử như tham gia tổ chức một sự kiện. Tương tự vậy, đại diện trường cũng có thể hỏi “Tại sao chúng tôi nên nhận bạn vào học?” vào cuối buổi để kết lại cuộc phỏng vấn. Trong trường hợp này, bạn nên tóm tắt lại những ý chính giúp bạn trở thành một sinh viên tiềm năng của khóa học, và của cả trường đại học.

 

7. Điểm mạnh nhất (và yếu nhất) ở bạn là gì?

 

Câu hỏi này cũng thường hay bắt gặp ở những buổi phỏng vấn xin việc, và người phỏng vấn có thể hỏi bạn nhiều hơn một điểm mạnh hoặc điểm yếu của bản thân. Để trả lời về thế mạnh của mình, cũng giống như câu hỏi “Trong mắt bạn bè, bạn là người như thế nào?”, rất dễ câu trả lời của bạn sẽ thành kiểu sáo mòn, rập khuôn nhưng an toàn, ví dụ như “Tôi là một nhân viên chăm chỉ.”. Nhưng ở đây, đại diện trường đang trông chờ vào điều gì đấy sâu sắc hơn, cụ thể hơn bằng những ví dụ thực tế. Đề cập đến điểm yếu của bản thân có thể sẽ khó khăn hơn, nhưng nếu bạn thành thật, và nói về một điểm yếu bạn đang cố gắng khắc phục thì bạn chắc chắn sẽ ghi điểm với đại diện trường bởi nhận thức sâu sắc của bạn về chính bản thân mình đấy.

 

Nguồn: Topuniversities

Share.

Leave A Reply