SSDH – Một bác người Nhật nói với tôi: “Hãy công bằng với bố mẹ, một ngày bố mẹ làm việc 8 tiếng thì bản thân cũng phải học như vậy, chăm chỉ, nỗ lực hết mình”.
Tôi từng nghe nói người Nhật thân thiện, hiếu khách qua câu chuyện thầy tôi kể, đọc về người Nhật trung thực, chăm chỉ qua sách báo. Đến khi đặt chân đến đất nước mặt trời mọc, tôi còn biết thêm nhiều điều thú vị khác về người Nhật. Họ đã dạy cho tôi những bài học trải nghiệm mới lạ, tuyệt vời.
Người Nhật không bao giờ đến… đúng giờ
Thật vậy, người Nhật chẳng bao giờ đến đúng giờ vì họ luôn đến sớm hơn giờ hẹn. Chưa bao giờ tôi thất vọng hay phải chờ đợi khi có hẹn với người Nhật. Tôi còn nhớ buổi đầu tiên hẹn đi chơi với một bác người Nhật đến Nicko. Cuộc hẹn ở bến xe bus lúc 8h sáng. Tôi đến đúng giờ hẹn nhưng bác đã đến trước đó khá lâu rồi. Bác bảo đến sớm vì không muốn mọi người phải chờ đợi.
Một lần khác, được Đại học Risshio cho đi chơi núi Phú Sĩ, trường yêu cầu tất cả sinh viên phải tập trung 8h. Đúng thời gian này, xe chở cả đoàn khởi hành chứ không vì lý do nào đó mà ở lại thêm. Lúc chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác, mấy lần đầu do mải chơi, khám phá cảnh đẹp nên chúng tôi đã để mọi người phải chờ. Người Nhật rất lịch sự, họ không trách móc mà nhắc nhở rất nhẹ nhàng nên chúng tôi đã biết ý thức, chú ý hơn.
Trường đại học của tôi ở Việt Nam cũng từng dạy tôi những bài học đúng giờ, vậy mà sang đây mải vui tôi lại quên mất. Hồi đó, vào mỗi giờ học Vovinam, ngoài luyện võ, chúng tôi còn được luyện thói quen đúng giờ. Các võ sư dặn dò chúng tôi: “Đi tập đúng giờ và đều đặn là một cách tôn trọng võ sư và các đồng môn của mình”.
Nguyễn Hoàng Lâm (giữa) cùng các bạn ở Nhật.
Người già ở Nhật “tham công tiếc việc”
Đùa cho vui vậy thôi, điều tôi muốn nói là tôi khá ấn tượng về khả năng làm việc hết mình, bất kể tuổi tác của người Nhật. Ở Nhật không có nghỉ hưu. Người già vẫn hăng say làm việc. Thầy giáo dạy môn “Tình hình Nhật Bản” của tôi đã hơn 73 tuổi. Ở Việt Nam, đó sẽ là độ tuổi được nghỉ ngơi, ở nhà trông con cháu, đi chơi…, nhưng ở Nhật họ vẫn làm việc hăng say chẳng kém người trẻ.
“Bác không muốn nghỉ ngơi, có làm việc mới cảm thấy mình đang sống. Và khi làm việc phải làm hết sức mình để xứng đáng với đồng tiền mình nhận được”, bác soát vé tàu hơn 70 tuổi đã nói vậy khi trông thấy những ánh mắt ngỡ ngàng của lũ học trò Việt Nam. Khi ấy tôi chợt nhận ra rằng mình may mắn nắm bắt được cơ hội sang Nhật học tập trong rất nhiều bạn khác thì phải làm sao cho xứng đáng với sự tin tưởng, tín nhiệm và cơ hội được trao.
Du học sinh Việt Nam ở Nhật khá nhiều, họ đến từ nhiều trường, nhiều vùng miền, chúng tôi thường gặp nhau trên tàu và kể cho nhau nghe về cuộc sống của mình ở Nhật Bản. Tôi biết nhiều bạn sang đây lúc đầu thường bị “shock” trước cường độ làm việc, học tập của người Nhật. Họ cũng giống tôi hơn một năm trước khi nhập học Đại học FPT. Tôi từng bị khủng hoảng, chán chường, thậm chí có ý định chuyển ngành học vì quá áp lực trong một môi trường mà mọi người đều chăm chỉ, nỗ lực hết mình, không ngừng nghỉ.
Đó là môi trường thúc đẩy mình phải thay đổi, phải tích cực, chủ động hơn, không cho phép bản thân bị động, đứng dậm chân ở một chỗ. Vì có được kinh nghiệm ở Đại học FPT nên khi đến đây, tôi có chút lợi thế hơn các bạn, nhanh chóng tìm được kế hoạch học tập cho mình. Một bác người Nhật nói với tôi: “Hãy công bằng với bố mẹ, một ngày bố mẹ làm việc 8 tiếng thì bản thân cũng phải học như vậy. Hãy chăm chỉ, nỗ lực hết mình”.
Người Nhật trẻ không thích sung sướng
Nếu những người Nhật già dạy tôi cách làm việc, sống hết mình, xứng đáng với những gì mình được nhận thì những người Nhật trẻ dạy tôi cách sống tự lập. Sinh viên Nhật không thích sống dựa dẫm vào cha mẹ, không muốn sống cuộc sống sinh viên nhàn rỗi, sung sướng chỉ học – chơi và xin tiền cha mẹ vào mỗi tháng. Họ tự kiếm tiền để trang trải cuộc sống và mua những thứ mình muốn, họa hoằn lắm họ mới hỏi xin tiền bố mẹ.
Đến Nhật hơn một tháng, tôi có kha khá người bạn Nhật, họ là những sinh viên học cùng trường, những người bạn tôi quen trong lớp tập Gym hay những người bạn cạnh phòng ký túc xá… Những sinh viên Nhật không ngần ngại trải nghiệm mọi ngành nghề: từ làm phục vụ ở cửa hàng tiện lợi, bồi bàn, đến rửa bát, chén đĩa… để có tiền mua những thứ mình thích mà không cần xin tiền bố mẹ. Họ có điểm giống với các anh chị ở trường tôi trong nước – những người “máu kiếm tiền” vì thích sáng tạo, thích kinh doanh.
Tôi khâm phục nhất là một anh bạn Nhật ngay sát phòng ký túc xá, anh bạn kiếm kha khá tiền từ việc làm thêm, nhưng vẫn rất tiết kiệm. Đã từ lâu lắm rồi, chi phí sinh hoạt, học phí… của anh ấy đều không cần đến sự trợ giúp của bố mẹ nữa.
Hơn một tháng ở Nhật, tôi vẫn chưa hết sự ngỡ ngàng trước văn hóa, con người kỳ lạ ở đây. Mỗi ngày, tôi lại có thêm những trải nghiệm quý giá với những người Nhật giàu ý chí, nghị lực.
Nguyễn Hoàng Lâm
Sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật – Đại học FPT