Người Việt ở Tây Ban Nha kể chuyện cảnh phong tỏa

0

Sẵn sàng du học – “Cả ngày nay ăn kho quẹt với cơm. Giật được hộp thịt ba chỉ 7 lạng mà mừng rơi nước mắt. Hiện tại đúng nghĩa là không còn gà ở siêu thị. Trứng, sữa, giấy vệ sinh, nước rửa tay giờ là những thứ quý như vàng. Quá dã man!”.

Đó là vài dòng trong nhật ký mùa dịch Covid-19 của Nguyễn Phương Thảo, một người Việt đang sinh sống, làm việc tại Tây Ban Nha, về tình trạng một số hàng hóa trong siêu thị sạch bách sau khi chính quyền nước này áp lệnh phong tỏa.

Nhưng hôm 19/3, Thảo khoe đã mua 2 vỉ trứng. Tình hình đã đỡ hơn sau khi các siêu thị cam kết bảo đảm hàng hoá cho người dân. Nhưng giấy vệ sinh vẫn là hàng hiếm, Thảo cho biết. Cô kể rằng, từ hôm 15/3, chính quyền làm căng hơn. Quân đội, cảnh sát xuống đường yêu cầu người dân không ra ngoài nếu không có việc thiết yếu. Ai “lầy” thì bị phạt tiền từ 100 – 6.000 euro. Ở đây từ năm 2015, chưa bao giờ thấy cuối tuần nào ở Madrid mà đìu hiu vắng tanh như lần này, Thảo kể.

 Thảo làm tự do trong ngành du lịch và phiên dịch. Cô kể rằng từ khi ở phải nhà, nhiều thời gian rảnh quá nên tranh thủ dạy tiếng Việt cho chồng sắp cưới những lúc anh không phải làm việc. 

Trả lời câu hỏi rằng có sợ nhiễm bệnh hay không, Thảo nói rằng cô vẫn lạc quan vì còn trẻ khỏe. Dù cô đang có bệnh về hô hấp nhưng không đến viện vì muốn để dành chỗ cho người già. Khi được hỏi có kế hoạch về nước trong dịp này hay không, Thảo nói cô nghĩ nếu ai cũng muốn về sẽ tạo thêm gánh nặng cho đất nước. “Em thấy nhà nước mình đang phải chi quá nhiều cho công tác phòng chống dịch. Bệnh này ở đâu cũng dễ lây, nên ai đang ở đâu thì nên ở yên đấy”, Thảo nói với PV Tiền Phong.

Du khách đeo khẩu trang bên ngoài Bảo tàng Prado ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha sau khi tất cả bảo tàng công ở thành phố này đóng cửa vì dịch Covid-19. Ảnh: Getty

Du khách đeo khẩu trang bên ngoài Bảo tàng Prado ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha sau khi tất cả bảo tàng công ở thành phố này đóng cửa vì dịch Covid-19. Ảnh: Getty

Cô kể rằng nhiều sinh viên hỏi cô nên ở hay về, vì bố mẹ các bạn cũng gọi về, cô thường động viên các bạn ở lại. Sắp tới EU có thể cấm nhập cảnh đối với những người không phải công dân EU trong 30 ngày, Thảo lo kế hoạch sẽ bị lỡ dở. Vì đợt dịch này mà Thảo bị hoãn kỳ thi văn hoá để nộp hồ sơ quốc tịch vào tháng 4 tới. Thảo sẽ tổ chức đám cưới tại TPHCM vào tháng 8 năm nay. Cả nhà chồng Thảo đã đặt hết vé máy bay, đặt tiệc ở nhà hàng, nên giờ đang lo vỡ kế hoạch.

Thảo cho biết cô ở với chồng sắp cưới nên không lo lắng chuyện thuê nhà, nhưng nhiều du học sinh Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều. Giấy tờ bị hạn chế, không đi lấy hoặc làm thẻ cư trú được vì cơ quan nhà nước đóng cửa. 

“Hy vọng tình hình sẽ khả quan hơn, chứ gần đây người quen, bạn bè bị sa thải nhiều quá vì con virus corona này rồi. Nhìn lại nó còn kinh khủng hơn khủng hoảng kinh tế 2008”, cô nói.

Tình hình thay đổi liên tục

Trang Bùi, sinh viên trường Cao đẳng Du lịch và lữ hành Simone Ortega ở Madrid, kể rằng cô đang tạm nghỉ học vì các trường đang đóng cửa 15 ngày, có thể dài hơn nếu tình hình xấu đi. Giảng viên giờ dạy học online. Khoá học của Trang không phải dạng học từ xa nên khi phải chuyển sang học trực tuyến, cả thầy và trò ban đầu đều gặp khó khăn trong việc trao đổi ý kiến, nhưng mọi người đều cố gắng và động viên nhau khắc phục.

Trước khi có lệnh cấm, Trang vẫn phải đi học và làm thêm bằng tàu điện ngầm và xe buýt đông người. Hầu hết người dân không đeo khẩu trang nên khả năng lây nhiễm bệnh cao hơn. Nhưng hiện tại khi đã có lệnh cách ly, Trang chỉ ra ngoài mua thực phẩm nên hạn chế tiếp xúc nhiều.

Trang kể rằng trước khi có lệnh phong toả, cô không gặp phải tình trạng kỳ thị người đeo khẩu trang. Nhưng trong những ngày đầu khi dịch vẫn trầm trọng ở châu Á, một vài người bạn của Trang bị người đi cùng tàu điện tránh xa, bị chửi kiểu “mày là đồ virus bẩn thỉu”. Nhưng ở Tây Ban Nha nhiều dân nhập cư nên những người có thái độ như vậy thường không phải dân bản xứ, cô nói.

Trang cho biết, gia đình đã gọi cô về khi nghe tin số ca nhiễm Covid-19 ở Tây Ban Nha ngày càng tăng. Nhưng Trang bảo cô nghĩ ai ở đâu nên ở nguyên đấy. Tình hình phức tạp như hiện nay không nên đến những nơi đông người như sân bay hay dùng phương tiện công cộng. “Sức khoẻ của em vẫn tốt và em tự bảo vệ mình nên em nghĩ không nhất thiết phải về”, Trang nói.

Trang cho biết nỗi lo của cô là tình trạng này sẽ kéo dài, vì chi phí thuê nhà ở Madrid khá đắt đỏ. Mỗi tháng dù tiết kiệm cô cũng phải chi hết 600 euro. Nếu đi làm, cô có thể trang trải được. Nhưng nhà hàng nơi cô đang làm việc đã đóng cửa do yêu cầu của chính phủ, nên hiện tại Trang phải sống bằng tiền của gia đình gửi.

Trang đang học ngành quản trị khách sạn và sẽ bắt đầu đi thực tập vào tháng 9. Ngày 19/3, chính phủ yêu cầu tất cả khách sạn đóng cửa trong 7 ngày. Trang lo tình hình không sớm ổn định, kế hoạch học tập và thực tập của cô sẽ phải hoãn chưa biết đến bao giờ.

Chị Lan Phương, một cán bộ làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha, cho biết, những ngày này, ngoài lắng nghe công việc liên quan chính sách của Việt Nam về visa, cung cấp thông tin cho cộng đồng, lúc nào chị cũng phải trực điện thoại để lắng nghe tâm tư của bà con, phụ huynh ở Việt Nam có con đang học bên này không về. Các cán bộ phải “giải đáp câu hỏi hóc búa nhất nhất là Chính phủ có đưa chuyên cơ sang không”, chị nói. Chị cho biết các cán bộ của Đại sứ quán phải họp liên tục vì chính sách và tình hình dịch thay đổi từng ngày.

Theo số liệu của Đại sứ quán Việt Nam, hiện có khoảng 2.000 người Việt sinh sống, làm việc, học tập ở Tây Ban Nha.

Với ít nhất 17.147 ca nhiễm và 767 ca tử vong, Tây Ban Nha trở thành quốc gia có dịch Covid-19 nghiêm trọng thứ tư thế giới. Trong nỗ lực kiểm soát Covid-19 lây lan, ngày 14/3, chính phủ Tây Ban Nha ban bố tình trạng báo động và áp lệnh hạn chế nghiêm ngặt hoạt động di chuyển và thương mại trên cả nước trong 15 ngày, có thể kéo dài thêm. Ở Madrid, cứ 10 người sẽ có 8 người mắc Covid-19, CNN ngày 20/3 dẫn dự đoán của lãnh đạo vùng Madrid, bà Isabel Ayuso.

Thái Hải (SSDH) – Theo VnExpress

Share.

Leave A Reply