Sẵn sàng du học – Có nhiều ngành nghề tại Mỹ đang cần lao động nước ngoài ở lại làm việc.
Theo ông Đinh Công Bằng, chuyên gia giáo dục tại Mỹ, chuyên viên phát triển phần mềm (software developer) và thống kê (statistician) là hai nghề hàng đầu trong năm 2019 ở Mỹ với mức lương trung bình là 101.790 USD và 84.060 USD/năm. Hai nghề này tuyển khá nhiều nhân viên người nước ngoài vào Mỹ làm việc do thị trường lao động phát triển khá nhanh và dân Mỹ đang có vấn đề về học STEM nói chung và lập trình/toán nói riêng.
Trong các ngành hàng đầu, còn khá nhiều nghề mở cho người nước ngoài. Đó là những nghề Nurse Practitioner – y tá thực hành (phải có bằng cao học y tá trở lên), Nurse Anesthetist – y tá gây mê (có bằng cao học y tá về trợ lý gây mê), Physician Assistant – trợ lý bác sĩ (có bằng cao học về trợ lý bác sỹ), Occupational Therapist/Physical Therapist – trị liệu bệnh nghề nghiệp/vật lý trị liệu (bằng cao học/bác sĩ về vật lý trị liệu), Mathematician – nhà toán học (bằng ĐH toán trở lên), Registered Nurse – y tá được hành nghề (bằng ĐH điều dưỡng/y tá), kế toán, quản lý tài chính…
Một số lĩnh vực tuyển khá nhiều nhưng vẫn còn rất lạ lẫm với du học sinh Việt nam. Chẳng hạn như hai ngành trị liệu bệnh nghề nghiệp và vật lý trị liệu. Mỗi năm Mỹ tuyển vào khoảng trên 3.000 người, nhưng có rất ít du học sinh từ Việt Nam theo học hai ngành này.
Tương tự, ngành y tá thực hành cần có bằng cao học về y tá trở lên, mức lương trung bình 104.000 USD/năm, nhưng có rất ít sinh viên Việt Nam học.
Tại sao nghề thống kê lại đứng thứ 2 trong 100 nghề "hot" nhất của Mỹ năm nay? Theo ông Bằng, đơn giản là vì hiện giờ nhu cầu xử lý dữ liệu đang bùng nổ rất nhanh trên mọi lĩnh vực. Để xử lý được dữ liệu chính xác và hiệu quả thì cần phải có người làm thống kê dữ liệu. Theo dự đoán của Bộ Lao động Mỹ, tốc độ phát triển của ngành này là 33% trong thập kỷ 2016- 2026.
Trước đó, theo các thống kê tại Mỹ, mỗi năm Mỹ cấp khoảng 11.000 bằng cao học khoa học máy tính (MsCS) và khoảng 16.000 bằng kỹ sư cùng chuyên ngành). Cộng cả các ngành liên quan đến tin học (IT) mỗi năm Mỹ cho "ra lò" khoảng 50.000 kỹ sư IT, nhưng vẫn không đủ người lấp những chỗ trống trong thị trường lao động.
Hồi năm 2017, Mỹ thiếu khoảng 3 triệu kỹ sư STEM. Riêng các ngành tin học thiếu khoảng hơn 500.000 người, tức là khả năng đào tạo của các trường chỉ bằng 1/10 thị trường lao động cần. Các chuyên ngành tin học đang cần người nhất là tính toán đám mây (cloud computing) và khoa học dữ liệu (data science). Trong khoảng 5 năm gần đây các trường ĐH Mỹ đua nhau mở các chương trình cao học về khoa học dữ liệu, thường là đào tạo trực tuyến, để đáp ứng nhu cầu của các kỹ sư muốn chuyển ngành/tăng thu nhập.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Thanh Niên