Sẵn sàng du học – Phong trào Gap Year hiện đang rất phổ biến ở giới trẻ hiện nay. Nếu bạn muốn trải nghiệm thế giới một chút để có định hướng tốt hơn trước khi “lao đầu” vào thế giới học thuật ở Đại học, một năm Gap Year là một điều bạn nên cân nhắc.
Trước khi đích thân bạn trải nghiệm một năm Gap Year, bạn nên tìm hiểu kỹ càng về nó trước. Charlie Cunningham, cố vấn nghề nghiệp cấp cao tại Đại học Warwick, nói rằng: “Hãy trò chuyện với những người đã trải nghiệm Gap Year. Hãy đọc những câu chuyện của họ để xem cách họ tiếp cận nó và nó giúp cho họ được những gì.”
Một khi bạn đã đưa ra quyết định của mình, hãy chuẩn bị tâm lý rằng những định hướng nghề nghiệp trước đó của bạn sẽ có thể thay đổi hoàn toàn.
“Một năm Gap Year sẽ giúp bạn hiểu thêm về chính mình,” Anna Elkin, 18 tuổi, hiện đang vừa du lịch, vừa học hỏi kinh nghiệm làm việc và vừa tham gia các hoạt động tình nguyện cộng đồng.
“Ở trường, bạn có thể bị cuốn theo đám đông và đi theo một sự nghiệp bạn không hề thích. Khi bạn trải nghiệm Gap Year, bạn sẽ nhận ra được cái đam mê của mình.”
Elkin nói những điều này từ chính kinh nghiệm của cô. Sau khi trải nghiệm Gap Year, cô đã chuyển từ ngành Sinh học tại Đại học Leeds sang học ngành liên quan đến kinh doanh.
Tuy nhiên, Gap Year không chỉ có mỗi du lịch và “tìm lại bản thân.” Gần đây có xu hướng nhiều sinh viên bắt đầu trải nghiệm một công việc thực sự trong Gap Year.
“Có rất nhiều công ty có các chương trình thực tập có trả lương dành cho sinh viên,” Cunningham cho hay.
Còn nếu bạn muốn trải nghiệm “dữ dội” hơn nữa, bạn có thể tìm những chương trình học việc một-năm trong một ngành bạn đang có hứng thú. Một năm là đủ để bạn có thể đạt được những chứng chỉ quan trọng trong nghề.
Nhưng đối với các sinh viên như Baht-Amni Francis, cô ấy đã phải đưa ra một quyết định nhanh chóng khi mà cô không đậu vào nguyện vọng 1 như mong muốn.
“Tôi đã dự tính vào thẳng Đại học. Nhưng khi nhận kết quả rớt trường Cambridge, tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều. Rồi tôi quyết định sẽ trải nghiệm Gap Year trước,” cô cho hay.
Nếu bạn rơi vào trường hợp như Francis, bạn luôn có thể dành thêm một năm để học và thi lại vào trường mong muốn – hoặc, nếu bạn còn đang phân vân, hãy trải nghiệm một năm Gap Year và biết đâu được định hướng công việc của bạn sẽ thay đổi.
Bạn cũng có thể tận dụng cơ hội này để xem xét lại sự nghiệp tương lai của mình một cách tổng quát hơn và trau dồi thêm nhiều kỹ năng để “hấp dẫn” nhà tuyển dụng hơn.
“Tôi nghĩ rằng các nhà tuyển dụng không chỉ tìm kiếm người giỏi kiến thức học thuật – họ còn tìm kiếm những người có kỹ năng tốt và kinh nghiệm dồi dào,” Francis nói.
Từ góc nhìn của một nhà tuyển dụng, Victoria Lawes, giám đốc quản lý nguồn lực tại Deloitte, hoàn toàn đồng tình với ý kiến trên. Lawes tin rằng nếu bạn có ý định chuyển ngành, bạn nên trau dồi một ít kinh nghiệm trước.
Bạn nên lưu ý rằng bạn không thể trau dồi kinh nghiệm một cách “chung chung” và mong rằng nó áp dụng với tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, có những cái hố chung mà bạn nên tránh.
“Bạn phải đảm bảo rằng Gap Year của bạn đang thực sự có ý nghĩa,” Lawes giải thích.
“Không có nhà tuyển dụng nào muốn nghe về việc bạn dành cả Gap Year để thăm quan di tích lịch sử thế giới hay tham gia các lễ hội thế giới cả. Họ muốn biết bạn đã học được gì từ nó.”
Kay Brown, cố vấn việc làm tại Đại học Warwick, nói rằng: “Hãy suy nghĩ trước về những thứ bạn muốn học được. Sau đó, tích cực đi tìm cơ hội để trau dồi kiến thức đó chứ đừng ‘há miệng chờ sung’.”
Gap Year có rất nhiều thử thách, nhưng thành quả gặt hái được từ nó cũng nhiều vô số kể. Francis kết luận như sau: “Tôi tin rằng ai cũng nên một lần trải nghiệm Gap Year. Bây giờ tôi đã có đủ kiến thức để đưa ra những quyết định sáng suốt hơn và có thể “chèo lái” cuộc đời của mình theo một hướng tốt hơn.”
Người dịch: Quốc Kỳ (SSDH)