Sẵn sàng du học – Hàng năm, hàng triệu học sinh tại Mỹ và trên khắp thế giới tham gia các kỳ thi SAT – một cuộc thi chuẩn hóa có mục đích tuyển sinh vào các trường đại học của Mỹ. Trong gần 100 năm tồn tại, các bài thi SAT đã có nhiều lần điều chỉnh nội dung. Tuy nhiên, trong thời gian tới, SAT đang đứng trước những điều chỉnh có tính đột phá, có khả năng mang đến những thay đổi lớn trong cách tuyển sinh của các trường đại học Mỹ.
Học sinh tham dự các kỳ thi SAT sắp tới có thể sẽ đối mặt với những tiêu chí đánh giá hoàn toàn mới. Bên cạnh điểm số các bài thi toán và ngôn ngữ vốn phản ánh năng lực tự thân, các sĩ tử cũng sẽ được “chấm điểm” dựa trên hoàn cảnh: những yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát. Bằng cách “đo lường” gia cảnh, vị thế kinh tế và xã hội của các thí sinh, tổ chức College Board chịu trách nhiệm phát triển và cung cấp các kỳ thi SAT hy vọng rằng điểm số SAT sẽ công bằng hơn đối với tất cả các sĩ tử.
Chỉ số hoàn cảnh lần đầu tiên được thí điểm vào năm 2017 tại 10 trường đại học Mỹ. Chỉ số này được tính toán dựa trên 15 tham số đo lường hoàn cảnh sống khó khăn của một học sinh, bao gồm tỉ lệ tội phạm tại nơi cư trú, độ khó của giáo trình trung học và trình độ giáo dục của cha mẹ. Điểm số này không được thông báo tới thí sinh, nhưng bộ phận tuyển sinh của các trường đại học có thể dựa vào đó để toàn quyền đưa ra quyết định của mình. Ví dụ, một trong 10 trường đại học tham gia thí điểm chỉ áp dụng chỉ số này khi cân nhắc việc đánh giá lại một thí sinh mà họ đã đánh trượt trước đó.
Học sinh chỉ cần cung cấp tên trường trung học và địa chỉ nơi cư trú còn tổ chức College Board sẽ khai thác cơ sở dữ liệu được công bố rộng rãi để tính toán chỉ số hoàn cảnh. Tỉ lệ tội phạm, tỉ lệ hộ nghèo, giá bất động sản được phân tích dựa trên địa chỉ nơi sinh sống. Hoàn cảnh gia đình, ví dụ như trình độ giáo dục của cha mẹ, được ước đoán dựa trên mức trung bình của người dân sống tại địa bàn dân cư đó.
Dù chỉ số hoàn cảnh có mục đích đa dạng hóa thành phần sinh viên trong các trường đại học, chỉ số này không dựa vào yếu tố chủng tộc. Sinh viên da trắng và da màu sống trong cùng một khu vực sẽ có điểm số tương đương nhau. Một vài bang như California và Oklahoma đã cấm các trường đại học công cân nhắc yếu tố chủng tộc trong quyết định tuyển sinh.
Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ số hoàn cảnh được xem là đang phát huy hiệu quả tích cực. Đại học Yale là một trong những trường đang thí điểm áp dụng chỉ số hoàn cảnh đối với tất cả các thí sinh. Trong năm qua, số lượng tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã tăng lên gấp đôi và hiện chiếm 20% số sinh viên được tuyển sinh cho năm 2019.
Các chỉ số tương tự như chỉ số hoàn cảnh mà College Board đang thí điểm hiện vẫn dựa trên các con số. Tuy nhiên, “hoàn cảnh” là điều có tính định tính chứ không phải định lượng. Đó là tổng thể những tác động khách quan trong cuộc đời một con người, thậm chí là cuộc đời của cha mẹ và ông bà họ. Cả 15 tham số làm nên chỉ số hoàn cảnh của College Board đều có thể đo đếm được, nhưng bản thân phương pháp đo đếm cũng mang tính chủ quan và là kết quả những di sản lịch sử kéo dài nhiều thập kỷ thậm chí thế kỷ.
Thực chất, tổ chức College Board đang nỗ lực tìm ra một giải pháp định lượng để giải quyết đặc quyền đặc lợi, một vấn đề phức tạp và mang tính thâm căn cố đế mà chính hệ thống khảo thí SAT cũng đã góp phần tạo ra. College Board hướng tới một mục tiêu lý tưởng là dùng những thuật toán khách quan, khoa học để giải quyết những vấn đề mà con người hiện tại vẫn chưa thể giải quyết. Tuy nhiên, những thuật toán này vẫn sẽ bị hạn chế bởi những thông số đầu vào và yếu tố con người trong việc định hình những thông số đó.
Tỉ lệ tội phạm là một ví dụ. Các nhà nghiên cứu xã hội học trong lĩnh vực tội phạm đều có thể lập luận rằng tỉ lệ tội phạm không phản ánh con số thực tế các vụ phạm tội xảy ra trong một khu vực dân cư mà chỉ phản ánh số các vụ phạm tội được báo cáo với cơ quan chức năng. Số lượng các vụ phạm tội được báo cáo lại chịu tác động của vô số những yếu tố khác, gồm có chủng tộc hoặc địa vị của kẻ gây án và mức độ tin tưởng của người dân với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, khái niệm “tội phạm” tại các khu vực dân cư khác nhau cũng khác nhau. Ví dụ như hai thí sinh đến từ hai tiểu bang Mỹ có tỉ lệ sử dụng cần sa như nhau. Tiểu bang nơi cần sa được hợp pháp hóa sẽ có tỉ lệ tội phạm thấp hơn, và như vậy sẽ ảnh hưởng đến chỉ số hoàn cảnh của thí sinh đến từ tiểu bang đó.
Các chỉ số được tính toán dựa trên thông số không đồng nghĩa với việc nó mang lại sự công bằng và khách quan. Khi được đặt vào những hệ thống tính toán khác nhau, các thông số cũng gây ra những tác động khác nhau.
Đối với một thí sinh sống trong một khu vực có tỉ lệ tội phạm cao, tỉ lệ hộ nghèo cao và trường học chất lượng kém, chỉ số hoàn cảnh có thể tạo lợi thế và giúp cho thí sinh này vào được trường đại học mơ ước. Tuy nhiên, cũng chính những thông số cấu thành chỉ số này có thể khiến thí sinh này bị phân biệt đối xử khi chúng được đưa vào hệ thống tính toán của ngân hàng để đưa ra các quyết định về cho vay tín dụng, hoặc cơ quan tư pháp khi xét xử các vụ án có liên quan đến cá nhân. Những con số như nhau sẽ mang những ý nghĩa khác nhau khi được đặt vào những bối cảnh khác nhau. Thông số không mang ý nghĩa thực tế khách quan mà mang ý nghĩa chứng minh cho một giả thiết xã hội.
Trong trường hợp này, giả thiết được đặt ra là những thí sinh có hoàn cảnh thua kém hơn so với bạn bè đồng lứa sẽ phải nỗ lực nhiều hơn, và nỗ lực này nên được cân nhắc trong tiến trình tuyển sinh của trường đại học. Nhưng chính lịch sử của cuộc thi SAT cũng cho thấy những thông số có thể được tạo ra để phục vụ cho một trật tự quyền lực nào đó. SAT, tiền thân có tên gọi Bài kiểm tra Năng lực Học thuật, được phát minh bởi GS tâm lý học Carl Brigham, một cựu sinh viên Đại học Princeton. Là một tín đồ của thuyết ưu sinh phân biệt chủng tộc, Brigham tạo ra SAT nhằm củng cố một hệ thống giai tầng xã hội dựa trên chủng tộc. Trong cuốn sách có tựa đề “Nghiên cứu về Trí tuệ Hoa Kỳ”, Brigham viết rằng cuộc thi chuẩn hóa SAT là một phương tiện để duy trì sự thuần khiết của chủng tộc. Theo ông, bài thi SAT chứng minh sự ưu việt của chủng tộc người da trắng và qua đó sẽ góp phần phòng chống việc dòng máu của người da trắng bị pha tạp những khiếm khuyết của những chủng tộc khác.
Nhà nhân chủng học Anh Francis Galton, người đã đề xướng khái niệm “ưu sinh” vào năm 1883, cũng là nhà khởi xướng một số phương thức thống kê quan trọng. Ông vận dụng khả năng thống kê của mình để kiểm tra và đánh giá hành vi và tâm lý của người da trắng châu Âu với mục đích lâu dài là xác định những người đủ tiêu chuẩn để được quyền sinh đẻ.
Galton đã luôn kiên định với niềm tin của mình, nhưng Brigham sau này đã hối tiếc vì đã phát minh ra bài thi SAT. Trong một phát biểu năm 1930, ông cho rằng “điểm thi SAT không phản ứng năng lực bẩm sinh có được qua di truyền, mà trên thực tế là một tập hợp của nền tảng gia đình, điều kiện học tập, khả năng nói tiếng Anh và vô số những yếu tố khác”. Phát biểu này rất tương đồng với quan điểm của College Board khi đưa ra khái niệm chỉ số hoàn cảnh: đó là điểm số trong các kỳ thi không thể tách rời khỏi các điều kiện ngoại cảnh tác động tích cực hoặc tiêu cực tới học sinh trong suốt quá trình học tập và thi cử.
Chỉ số hoàn cảnh nói riêng và các thuật toán nói chung không có tính phân biệt đối xử. Tuy nhiên, không giống như khi chấm điểm một bài thi toán, việc đánh giá con người dựa trên các yếu tố xã hội là một việc làm mang tính chủ quan cho dù phương pháp được dựa trên các con số.
Đây là vấn đề đối với mọi cuộc khảo thí chuẩn hóa. Mục đích ban đầu của SAT là để chứng minh tính ưu việt của chủng tộc da trắng, trong khi mục đích của chỉ số hoàn cảnh là nhằm thúc đẩy sự đa dạng thành phần và chủng tộc trong trường đại học. Đây là những mục tiêu đối lập nhau, nhưng lại được thực hiện theo cùng một phương pháp: sử dụng các định lượng để củng cố những định kiến về con người, về cộng đồng, về trật tự xã hội.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo NLĐ