Buddenbrooks – Hồng lâu mộng của người Đức

0

Sẵn sàng du học – Gia đình Buddenbrooks là một bức sơn dầu thô ráp với hàng trăm nhân vật, nét vẽ tinh vi tỉ mỉ mà bức tranh lại đồ sộ vĩ đại, không có chỗ nào vẽ dối.

Tuyên bố trao giải Nobel năm 1929 cho Thomas Mann có viết: "Thế kỷ 19 kết thúc khi một nhà văn trẻ 27 tuổi đến từ thành phố Lubeck xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay Gia đình Buddenbrook năm 1901. Kể từ đó, 27 năm đã trôi qua và thực tế không thể chối cãi rằng Gia đình Buddenbrook thực sự là một kiệt tác đã lấp đầy khoảng trống của văn học Đức trên bản đồ văn chương thế giới. Đây là cuốn tiểu thuyết hiện thực Đức ngữ đầu tiên và cho đến giờ là cuốn hay nhất".

Vì cũng là dạng tiểu thuyết dòng họ, nên Buddenbrooks còn biết đến dưới tên gọi “Hồng lâu mộng nước Đức”. Tuy nhiên đọc cả hai trường thiên tiểu thuyết mới thấy rõ sự khác nhau đặc biệt giữa giới elite Đông Tây.

Ra mắt năm 1901, Gia đình Buddenbrook được coi như một "Hồng lâu mộng" của nước Đức.

Ra mắt năm 1901, Gia đình Buddenbrook được coi như một "Hồng lâu mộng" của nước Đức.

Dòng họ Đức làm ăn buôn bán kịch liệt, buôn bán thương mại gần như là một tôn giáo! Tất cả các hành động của các nhân vật đều liên quan đến việc kinh doanh, thậm chí cả việc sinh con, chết, kết hôn. Ý nghĩa kinh tế trong mọi sự kiện được đặt lên hàng đầu, dứt khoát, rõ ràng, và nghĩa vụ và số phận của mỗi thành viên trong gia tộc đều phải đi theo tôn chỉ đó.

Và rảnh thì các thương gia đó ngồi chơi piano. Khao khát duy trì tính thượng lưu và tôn thờ vật chất – những động lực đó đã làm nên một dân tộc Đức giàu có, giỏi giang, kiên cường, lãng mạn và nhiều bi kịch, tất nhiên. Dân tộc vĩ đại nào mà chẳng nhiều bi kịch. Để rồi, những biến cố trong lịch sử cộng với sự suy vong của nhân cách đã làm cho một đại gia đình cuối cùng phải rơi vào cảnh suy tàn – về điểm này Buddenbrooks rất giống với Hồng lâu mộng – và cũng là sự tương đồng và tất nhiên về quy luật lịch sử.

Như trong Hồng lâu mộng đã viết “Dựng lều ngàn dặm, tiệc vui nào cũng đến lúc tàn”, mở đầu Buddenbrooks là một bữa tiệc linh đình, xa hoa, đầy đủ thủ tục quý tộc trịnh trọng như một lời tuyên ngôn về địa vị tư sản vững vàng không có gì có thể lay chuyển. Và tất nhiên theo phép biện chứng, cuối cùng nó đã bị lung lay. Cuộc vui nào chẳng có lúc tàn.

Sự suy tàn của dòng họ Buddenbrooks tuy có vẻ thảm sầu nhưng chứa đựng một sự thanh thản, theo đúng quy luật cái gì có sinh cũng có tàn. Mann giỏi tả cái chết và sự bệnh hoạn. Chủ nghĩa tự nhiên thể hiện rõ trong tác phẩm Nobel này của Mann, nhưng là cái tự nhiên của người sống và làm việc cật lực, thưởng thức cật lực, nên nó bi quan nhưng trìu mến, chế nhạo cũng trìu mến.

Các con cháu của đại gia đình nam nữ già trẻ đều mỗi người mỗi vẻ, đều cá tính quyết liệt. Cái tài giỏi của tác giả Thomas Mann 27 tuổi lúc đó chính là giữ cho những cá tính đầy bùng nổ kia đứng bên nhau dù chông chênh, bởi không phải chỉ có sợi dây huyết thống, mà còn bởi vì họ luôn nhìn thấy chính mình trong hình ảnh của những cá nhân kia. Họ mải mê vật lộn với bản thân, đấu tranh với bản ngã. Họ vươn lên vì chính họ, kiệt sức vì chính họ. Mâu thuẫn giữa cả cơ nghiệp của dòng họ và những ước muốn riêng cũng là một nguyên nhân đặt dấu chấm hết cho một đế chế suy tàn.

Thật thú vị khi cuốn tiểu thuyết này đến tay độc giả Việt Nam lại được chuyển ngữ từ tiếng Trung, do hai dịch giả lão luyện Trương Chính và Hồng Dân Hoa thực hiện (NXB Trẻ phát hành). Trương Chính là một nhà nghiên cứu văn học kỳ cựu còn Hồng Dân Hoa là giảng viên đại học, người Hoa. Đây là một bản dịch hay, với những đại từ nhân xưng khiến độc giả hình dung ra một gia đình tư sản Hà Nội trước Cách mạng tháng Tám.

Buddenbrooks là một bức sơn dầu thô ráp với hàng trăm nhân vật mà tinh vi tỉ mỉ, lại đồ sộ vĩ đại, không có chỗ nào vẽ dối. Người đọc sẽ cảm thấy thích và đồng cảm nhân vật nữ Tony, được coi là thất bại đủ bề nhưng vẫn kiêu kỳ, hơi phù phiếm nhưng đầy cảm thông, mặc kệ thăng trầm của xã hội hay của gia tộc trôi qua, tính nữ dẻo dai nên không bị bẻ gãy như mấy người đàn ông oai vệ.

Cách viết kể lể miêu tả như vẽ phủ tỉ mỉ toàn bộ mặt toan rộng lớn, thật là đặc trưng cho cổ điển, các sự kiện dựa trên những mốc thời gian lịch sử nhưng thật là phi – thời – gian, với những nhân vật, những cá tính, những suy nghĩ mà ta có thể gặp bất cứ thời nào nước nào. Cuốn truyện cũng phi – thời – gian khi Mann vĩ đại cho ta thấy rằng thời gian đúng là để sống chứ không phải để suốt ngày vội vã lo không kịp.

Nếu bạn yêu tiểu thuyết phương Tây, sẽ thấy rằng đây là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất, hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng Nobel văn học do Viện Hàn lâm Thụy Điển trao tặng.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply