Lý do khiến nhiều trường đại học Mỹ lao đao?

0

Sẵn sàng du học – Mỗi năm, sinh viên quốc tế đóng góp khoảng 39 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ và đây cũng là nguồn thu quan trọng giúp các trường duy trì hoạt động. Tuy nhiên gần đây, số lượng sinh viên du học tại Mỹ giảm mạnh. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và hướng giải quyết của các trường ra sao?

Số lượng visa F-1 cấp cho sinh viên quốc tế vào Mỹ du học đã giảm 17% trong năm 2017 - Ảnh minh họa

Số lượng visa F-1 cấp cho sinh viên quốc tế vào Mỹ du học đã giảm 17% trong năm 2017 – Ảnh minh họa

Tưởng như những khó khăn do suy thoái kinh tế năm 2008 đã bị bỏ lại sau thì các trường đại học trên cả nước Mỹ lại đang bước vào chu kì “thắt lưng buộc bụng mới” – lần này là do sụt giảm sinh viên quốc tế.

Những trường bị ảnh hưởng nặng nhất là thuộc “hạng hai”, ngân sách chủ yếu dựa vào sinh viên nước ngoài.

Sự sụt giảm xảy ra sau một thế kỉ tăng trưởng bùng nổ du học sinh- hiện ở mức 1 triệu tại các trường CĐ, ĐH và chương trình đào tạo giáo dục và “bơm” 39 tỉ USD vào nền kinh tế Mỹ. Tuyển sinh quốc tế bắt đầu chững lại năm 2016, một phần bởi sự cạnh tranh tăng lên của các trường Canada, Australia và các nước nói tiếng Anh khác.

CNN Money trích dẫn số liệu từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy số lượng visa F-1 cấp cho sinh viên quốc tế vào Mỹ du học đã giảm 17% trong năm 2017. Trong đó, các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ giảm mạnh nhất.

Lý giải cho tình trạng này, New York Times cho rằng học phí tăng cùng với việc siết chặt chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống Donald Trump khiến cho Mỹ không còn hấp dẫn với sinh viên quốc tế như trước. Hơn nữa, sau khi ra trường, sinh viên cũng khó ở lại Mỹ tìm kiếm cơ hội việc làm do chính quyền hạn chế cấp visa H1-B cho lao động nước ngoài. Vì thế, sinh viên quốc tế đành gác lại "Giấc mơ Mỹ" để tìm đến với các nước có chính sách thông thoáng hơn như Canada, Đức hay Australia.

Theo các con số sơ bộ từ cuộc khảo sát 500 trường đại học do Viện Giáo dục Quốc tế tiến hành, trên toàn quốc, trong mùa thu vừa qua, số lượng sinh viên ngoại quốc mới giảm ở mức trung bình 7%.

Mới đây, cơ quan xếp hạng đầu tư Moody đã thay đổi mức xếp hạng đối với giáo dục đại học từ mức "ổn định" xuống thành "tiêu cực."

Cơ quan này cảnh báo những trường đại học không nằm trong nhóm được công nhận tên tuổi trên toàn cầu sẽ bị tác động nặng nề nhất.

Cũng theo cuộc khảo sát của Viện Giáo dục Quốc tế, số lượng sinh viên quốc tế sụt giảm đến từ một loạt quốc gia, trong đó có cả Trung Quốc và Ấn Độ – hai nước có nhiều sinh viên theo học ở Mỹ nhất.

Theo New York Times, nhiều trường phải cắt giảm nhân sự hoặc chuyển một số giảng viên chính thức sang giáo viên thỉnh giảng nhằm cắt giảm chi phí. Có trường thành lập hẳn một trung tâm chuyên trách để hỗ trợ và thu hút sinh viên quốc tế.

Những trường “hạng hai” không có lựa chọn nào khác là cân đối lại chi tiêu.

Các trường Wright State tại Ohio hay Kansas State cắt bỏ các môn Tiếng Pháp và Tiếng Italy, trong khi ĐH Central Missouri bỏ bản in báo nội bộ sang báo mạng từ năm nay, tiết kiệm 35.000 USD chi phí in báo…

ĐH Quốc gia Kansas tại Manhattan cho biết mùa tuyển sinh mới đây giảm hơn 900 sinh viên, trong đó sinh viên quốc tế giảm 159 người. Một lãnh đạo nhà trường gọi đây là “cơn bão nhân khẩu kinh hoàng”.

Việc sụt giảm số lượng sinh viên quốc tế không chỉ khiến cho các trường đại học Mỹ mất đi nguồn thu, mà còn khiến cho họ thất thoát một thứ tài sản còn quý giá hơn là sự đa dạng văn hóa và sắc tộc. Đấy là chưa kể, sinh viên quốc tế cũng có đóng góp quan trọng vào nền khoa học – công nghệ và thậm chí cả số lượng giải Nobel hàng năm của Mỹ.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Chính Phủ

Share.

Leave A Reply