Sẵn sàng du học – Giải mã cách viết Common Application Essay – Một phần không thể thiếu và cũng khiến học sinh Việt loay hoay trong quá trình nộp hồ sơ Du học Mỹ nhé.
Để xin nhập học đại học, có 2 dạng bài luận chính mà các bạn cần viết: Common Application essay (Bài luận phổ thông) và School Supplemental esay (Bài luận phụ, nói về lý do bạn chọn trường/chuyên ngành/chương trình học đó, các hoạt động ngoại khóa bạn từng tham gia, …). Hôm nay, chúng ta sẽ nói về cách viết một bài Common App essay nổi bật nhé!
Common Essay là bài luận được gửi đến tất cả các trường. Độ dài của bài luận này nên nằm trong khoảng 250 đến 650 từ. Bạn cần phải chắc chắn rằng bài luận của bạn có thể trả lời được 4 câu hỏi sau: “Tôi là ai?”, “Tại sao tôi lại viết bài luận này?” “Có điều gì ĐỘC NHẤT ở tôi?” và “Điều gì quan trọng với tôi?”
Dưới đây là một số lời khuyên cơ bản trong việc viết một bài Common App Essay tốt:
• Thay vì viết một bài luận với 5 đoạn, bạn nên biến bài luận của mình thành một câu chuyện được kể một cách sáng tạo.
• Show, don’t tell: Thay vì chỉ kể mọi chi tiết trong câu truyện của bạn, hãy tạo nên một bức tranh để người đọc có thể tự cảm nhận câu truyện bạn kể.
• Hãy viết với giọng văn chủ động thay vì bị động.
• Hạn chế sử dụng clichés (Thành ngữ, ca dao, trích dẫn, …) trong bài luận.
• Tránh những trải nghiệm phổ biến, ai cũng có như chấn thương thể thao, thúc cưng chết, …
• Hiểu người đọc: Một trường mạnh về khoa học, ví dụ như Reed College, sẽ có một ban tuyển sinh rất cấp tiến; trong khi một trường dòng, ví dụ như Liberty College, sẽ rất quan tâm đến việc bảo tồn những giá trị cũ và tôn giáo.
• Tránh bàn luận đến những chủ đề nhạy cảm, gây tranh cãi.
Có 7 dạng bài quen thuộc cho một bài Common Essay:
1. “Some students have a background, identity, interest, or talent that is so meaningful they believe their application would be incomplete without it. If this sounds like you, then please share your story.”
Một số sinh viên có quá khứ, thân thế, sở thích hoặc tài năng vô cùng đặc biệt, mà sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến những điều đó trong lá đơn xin nhập học của họ. Nếu điều này nghe giống bạn, hãy chia sẻ cho chúng tôi câu chuyện đó.
Với dạng này, bạn có thể viết về những cá tính hay sở thích độc đáo của riêng bạn. Tuy nhiên, đừng cố gắng gò bó bản thân để tạo nên sự dị biệt. Hãy hỏi bản thân mình rằng, điều gì đã tác động đến mình một cách có ý nghĩa. Bạn có thể tư duy theo cách tập trung vào 1 trong 3 mảng sau:
• Quá khứ: Gia đình, các mối quan hệ, “Điều gì đã tạo nên bạn hôm nay?”.
• Thân phận: Địa vị, vị trí của bạn trong cộng đồng, cách bạn nhìn bản thân, tính cách của bản thân.
• Sở thích/Tài năng: Một điều bất ngờ, không phổ biến.
2. “The lessons we take from obstacles we encounter can be fundamental to later success. Recount a time when you faced a challenge, setback, or failure. How did it affect you, and what did you learn from the experience?”
Bài học chúng ta nhận được từ những khó khăn, trở ngại là điều bắt buộc phải có để có thể thành công sau này. Hãy nhìn lại lần bạn đối mặt với thử thách, trở ngại, hay thất bại. Lần đó đã ảnh hưởng đến bạn thế nào, và bạn học được gì từ trải nghiệm đó?
Bạn nên viết về một trở ngại lớn mà bạn đã trải qua. Hoặc, bạn có thể viết về cách bạn xử lý sự bất ổn và hành động của bạn khi không có một giải pháp rõ ràng. Ví dụ, hãy phân tích một cuộc tranh cãi với một người bạn: Đánh giá đa chiều, hồi tưởng lại quyết định của bản thân, và bạn đã trưởng thành hơn ra sao sau đó, hay suy nghĩ của bạn đã thay đổi thế nào.
Bạn cũng có thể viết về những thất bại nhỏ hơn nhưng xảy ra nhiều lần với bạn, ví dụ như chứng sợ sân khấu. Bạn cần để ban tuyển sinh cảm nhận được mọi thứ: Bạn đã nghĩ gì lúc đó, trước, trong khi và sau đó.
3. “Reflect on a time when you questioned or challenged a belief or idea. What prompted your thinking? What was the outcome?”
Hồi tưởng lại lần bạn nghi ngờ hoặc đối đầu với một ý tưởng/niềm tin. Điều gì thôi thúc bạn làm vậy? Kết quả ra sao?
Lỗi lầm dễ mắc phải nhất là cố gắng đưa ra những quan điểm to tát về xã hội hay chính trị trong khi không nhắc đến hoàn cảnh cá nhân. Bạn có thể nhắc đến những niềm tin hay ý tưởng nho nhỏ để hé lộ tính cách cá nhân hay cách tư duy của riêng bạn. Sau tất cả, quá trình bạn xử lý suy nghĩ và đưa ra quyết định sẽ quan trọng hơn đối với ban tuyển sinh so với vấn đề bạn đưa ra ban đầu.
4. “Describe a problem you've solved or a problem you'd like to solve. It can be an intellectual challenge, a research query, an ethical dilemma – anything that is of personal importance, no matter the scale. Explain its significance to you and what steps you took or could be taken to identify a solution.”
Mô tả một vấn đề bạn đã giải quyết hoặc muốn giải quyết. Đó có thể là một thử thách trí tuệ, một đề tài nghiên cứu, một nghịch lý đạo đức – bất cứ điều gì ý nghĩa với bạn, không kể quy mô. Hãy giải thích tầm quan trọng của điều đó với bạn và từng bước bạn đã/sẽ làm để giải quyết vấn đề đó.
Bạn có thể chia sẻ bất cứ trải nghiệm nào mà quan trọng với cá nhân bạn. Tập trung vào cách bạn giải quyết vấn đề và vì sao nó quan trọng với bạn. Ví dụ, bạn có thể viết về trải nghiệm của bạn trong việc cải thiện khả năng tiếng Anh, giảm cân, hay trở nên nổi tiếng trong trường.
5. “Discuss an accomplishment, event, or realization that sparked a period of personal growth and a new understanding of yourself or others.”
Hãy nói về một thành tích, sự kiện, hoặc sự khai sáng đã tạo nên một quá trình phát triển bản thân của bạn và những hiểu biết mới về bản thân hay người khác.
Đây là dạng bài luận phổ biến nhất trong quá trình xin nhập học năm 2017 – 2018. Bạn có thể chia sẻ một câu chuyện, một sự kiện đã thay đổi hoặc truyền cảm hứng cho bạn theo nhiều cách. Ví dụ, bạn có thể viết về một hoạt động tình nguyện mà truyền cảm hứng cho bạn trở thành lãnh đạo một tổ chức phi lợi nhuận.
6. “Describe a topic, idea, or concept you find so engaging that it makes you lose all track of time. Why does it captivate you? What or who do you turn to when you want to learn more?”
Mô tả một sự kiện, ý tưởng, hoặc một khái niệm bạn cảm thấy thú vị đến mức nó khiến bạn quên cả thời gian. Vì sao điều đó hấp dẫn bạn? Bạn tìm đến đâu/ai khi bạn muốn tìm hiểu thêm?
Bài luận về chủ đề này cần thể hiện sự đam mê và kiến thức chuyên biệt về đề tài được viết đến. Bạn nên thoải mái sáng tạo trong cách giới thiệu đề tài, tuy nhiên nên xoay quanh lý do khiến bạn bị thu hút bởi chủ đề đó. Một bài luận thành công sẽ giàu cảm nhận và chi tiết.
7. “Share an essay on any topic of your choice. It can be one you've already written, one that responds to a different prompt, or one of your own design.”
Hãy chia sẻ một bài luận bạn đã từng viết về bất cứ chủ đề nào. Có thể là một bài luận bạn đã từng viết, một bài luận về một chủ đề khác, hay một bài luận bạn tự thiết kế.
Chủ đề này có thể rất rủi ro nhưng kết quả cũng rất xứng đáng nếu bạn viết tốt. Nếu bạn chọn chủ đề này, hãy chắc chắn rằng bài luận của bạn trả lời đầy đủ 4 câu hỏi nêu ban đầu: “Tôi là ai?”, “Tại sao tôi lại viết bài luận này?” “Có điều gì ĐỘC NHẤT ở tôi?” và “Điều gì quan trọng với tôi?”
Khánh Ngọc (SSDH)